Lộc, Tú Uyên, những truyện về Cuộc giaochiến giữa Liễu Hạnh công chúa
với Tam thánh tổ, Nguyễn Lộc gặp tiên, v.v...Đồng thời, những tín ngưỡng
về bói toán, sấm ký, nhất là phong thủy (địa lý) cũng mặc sức tranh giành
địa vị, nên trong dân gian còn đẻ ra những truyện Trạng Trình, Tả Ao,
truyện Thầy địa lý đốt sách, truyện để mồ để mả, truyện báo ân báo oán...
Ba là, dân tộc Việt-nam lúc này có công cuộc mở rộng địa bàn mạnh mẽ về
phía Nam. Trong xu thế di chuyển liên tiếp và dai dẳng này, kho tàng
truyện cổ tích của chúng ta lại tiếp thu được khá nhiều những truyện của
các dân tộc anh em và các dân tộc láng giềng như Cham-pa, đồng bào Tây-
nguyên, Lào, Khơ-me (Khmer), v.v... Cũng như truyện Tấm Cám, những
truyện Thạch Sanh, truyện Hai anh em và con chó đá truyện Thỏ và hổ,
truyện Nàng út, truyện Người thợ săn và bà Chằng, v.v... đều có nguồn gốc
có thể ngờ là từ phương Nam truyền vào. Ngày nay, trong một số truyện cổ
tích có những cái tên như ông hoàng tử, mãng xà vương, bà Chằng, Ác Lai,
v.v... dường như đã được nhập tịch không phải là xưa lắm.
Một hiện tượng lý thú là trong quan hệ giao lưu văn hóa tiếp liền theo cuộc
"di thực" nói trên, đã có một số truyện hoặc từ Đường ngoài truyền vào
Đường trong, hoặc từ Đường trong truyền ra Đường ngoài, tuy cùng là một
cốt truyện, một chủ đề, nhưng mỗi miền kể khác nhau về chi tiết: những tên
người, tên đất khác nhau; những sự đổi mới ngay cả về bố cục. Chẳng hạn
truyện Sọ Dừa ở trong Nam với truyện Lấy chồng dê ở ngoài Bắc[8];
truyện Sự tích đình làng Đa-hòa (Bắc) với truyện Thầy Thím (Nam); hay
truyện Kéo cày trả nợ (Bắc) với truyện Nợ không trông trả (Nam), v.v...