Rắn có thể hóa thành người giúp bà kiếm thức ăn, bà muốn bao nhiêu tôm
cá cũng có. Một lần, có một con rắn đen ngự trị ở một khúc sông khác đến
gây chuyện với rắn trắng. Hai bên đánh nhau ba ngày không phân thắng
phụ. Rắn ta bèn nhờ mẹ nuôi giúp mình bằng cách trong khi giao tranh hễ
thấy con đen nổi lên thì chém. Không may là bà già không chém phải rắn
đem mà lại chém nhầm vào bụng rắn trắng. Rắn chết, người ta đem chôn ở
cánh đồng, gọi là mộ thần rắn Cuống [7]
Tóm lại, truyện Ông Dài ông Cộc dường như xuất phát từ một loại truyền
thuyết có đề tài thờ rắn (hay thuồng luồng, giao long) xa xưa, trong đó nổi
bật là hình tượng rắn được người nuôi và bị chém nhầm đứt đuôi. Truyền
thuyết ấy đã được nhà văn dân gian - nếu không phải chính Nguyễn Dữ tác
giả Truyền kỳ mạn lục - tô điểm thành một truyện hoàn chỉnh có phần khỏe
mạnh hơn các dị bản của nó (hầu hết đều chưa vượt khỏi dạng truyền
thuyết).
Sau đây chúng tôi trích dẫn một truyện do Bento Thiện sưu tầm vào giữa
thế kỷ XVII, từng được ghi bằng quốc ngữ, cũng có thể coi là một dị bản
của truyện Ông Dài ông Cộc, tuy rằng kết cục có khác hẳn. Nguyên văn
như sau:
"... Xưa có một người ở bên Ngô, ở xứ Hồ-quảng, hay đi săn chơi trên
rừng. Ngày ấy thấy một trứng bỏ giữa đàng, thì người ấy lấy về mà để chơi.
Ngày sau trứng nở ra được cái rắn. Liền cho nó ở nhà, thì nó đi bắt gà lợn
người ta mà ăn thịt, hết nhiều của người ta lắm, thì người ta kêu. Ông ấy
liền đem nó lên trên rừng là nơi trứng cũ ngày xưa, mà rằng: - "Con ở đây,
chớ về nhà làm chi, con sẽ kiếm ăn rừng này vậy". Nó liền ở đấy, có gặp ai
thì bắt ăn thịt, dù là trâu bò hay ngựa cũng vậy. Thiên hạ sợ, chẳng có ai
dám lại đấy nữa, thì kêu cùng vua rằng: - "Đất ấy có cái rắn dữ, chẳng có ai
đánh được nó". Mà vua có sai ai đi, thì nó cắn chết, thì chẳng còn ai dám
đi. Vua liền rao thiên hạ rằng, ai mà đánh được rắn ấy thì vua cho làm quan.