cùng anh phạm tội giết người, lại trốn đến xứ người da trắng trở thành chủ
nhân của năm chiếc tàu, thỉnh thoảng anh lại đi du lịch các nơi[34].
Dân tộc Dáy ở Việt-nam có truyện Con chim toóc toóc cũng có sử dụng
hình ảnh cướp cánh nàng tiên:
Có bảy anh em có tài dùng trán đóng cọc để đắp đập cấy lúa. Nhưng đắp
lần nào đều bị phá vỡ lần ấy. Tức mình, họ để tâm rình, mới hay có bảy
nàng tiên ban đêm từ trên trời rơi xuống, đặt áo quần và cánh trên bờ rồi
xuống tắm. Trong khi nô đùa, họ lắc cọc nghiêng ngả nên đập bị lở. Bảy
anh em bèn xuất hiện chiếm lấy áo quần và cánh, hỏi họ tại sao lại phá đập
của mình. Cuối cùng bảy nàng tiên đành phải làm vợ bảy anh em. Đoạn sau
còn kể một cụ già, để trị bảy anh em kiêu ngạo, cho họ biết ở dưới đất có
những người "ản-eng" tuy tý hon nhưng lại tài giỏi hơn. Bảy anh em bèn
tìm xuống để đọ tài. Thấy người "ản-eng" bé nhỏ, bảy anh em làm đổ nồi
cơm (bằng vỏ trứng gà) của họ. Họ vẫn không nói gì. Thấy có hòn chì bằng
quả bưởi mài nhẵn bong, bảy anh em hỏi: - "Cái này dùng để làm gì?" -
"Của bố chúng tôi dùng để luyện tập". - "Luyện tập thế nào?" - "Tung lên
tít mây xanh rồi dùng mũi đỡ. May cho các bác là bố chúng tôi hôm nay đi
vắng, chứ nếu có nhà chỉ lấy mũi đỡ, văng vào ai kẻ ấy chết ngay". -
"Chúng tao cũng làm được". - "Không có tài như bố chúng tôi thì đừng làm
mà chết uổng mạng". Nhưng bảy anh em bị mắc mưu lời nói khích của
người "ản-eng", hòn chì lần lượt tung lên giáng xuống làm chết tất cả. Sau
đó họ hóa làm chim toóc toóc[35].
Người Tây nguyên cũng có truyện Cây đàn, ở đây nàng tiên không từ trời
xuống mà lại từ dưới đất lên:
Chuột và nhím một hôm đào hang đến nhà người Kinh (Doan) ăn trộm cây
đàn. Tiếng đàn gảy lên làm cho một cô gái đêm đêm lên nhảy múa với