Truyện trên vốn có nhiều dị bản trong kho tàng cổ tích của nhiều dân tộc từ
Đông sang Tây, mỗi dị bản đều có nét độc đáo của nó.
Trước hết là truyện của Trung-quốc: Khước Yêu.
Khước Yêu là một nữ tỳ của Lý Dữ ở Hồ-nam, người đẹp, giỏi từ lệnh,
quán xuyến công việc nhà chủ, được đối đãi tốt. Lý có bốn người con trai
đều muốn ghẹo Khước Yêu mà không làm gì được. Một hôm vào tiết
Thanh minh, Đại lang nắm lấy tay nàng buộc phải cho mình gặp riêng.
Nàng trao cho hắn một chiếc chiếu nhỏ dặn đêm khuya đến đứng đợi ở góc
Đông nam nhà sảnh. Tiếp đó lần lượt ba người em hắn đều hẹn hò và buộc
cho mình được gặp riêng. Cũng như đối với anh chúng, nàng cũng lần lượt
trao cho mỗi người một chiếc chiếu nhỏ, hẹn gặp không phải vào những giờ
khác nhau mà là cùng một giờ ở quanh nhà sảnh. Đêm lại, người anh cả
(Đại lang) đến trước nép vào một nơi để đợi người con gái, thì chợt thấy ba
đứa em của mình lần lượt đi vào, ai nấy đều tìm chỗ nấp. Chốc sau, thấy
Khước Yêu cầm đuốc tiến ra, mở cửa nhà sảnh, nói lớn: - "Không biết các
công tử đua nhau đến tìm gì ở chỗ ở của gái hèn này?". Ai nấy đều quẳng
chiếu che mặt bỏ chạy. Về sau không dám ghẹo nữa [3] .
Hai truyện sưu tầm ở Bắc Ấn-độ:
1. Một người đàn bà đẹp, lương thiện, bị một quan thượng (vi-dia) theo
đuổi. Để có thể được gần gụi người đàn bà, quan bảo vua rằng chồng nàng
có thể lên rừng tìm bắt một con chim chưa ai thấy, gọi là rang-ta-ti-ya. Vua
muốn có ngay con chim lạ, bèn đòi anh kia đến, ra lệnh đi tìm con chim
theo lời quan thượng, giao hẹn nội một tháng phải có. Ở cung vua về, anh
kể lại cho vợ nghe. Vợ bảo: - "Đừng đi, quan thượng muốn giết anh đấy",
lại nói: "Được, nếu thế thì tôi sẽ có một mưu còn sâu hơn mưu của quan