KHO TÀNG TRUYỆN CỔ TÍCH - Trang 2269

lượng chính trị tiên tiến trong lòng dân tộc kế tiếp nhau đề xướng, nhằm
củng cố vững chắc nhà nước độc lập quân chủ, lại theo hướng rập khuôn
mô hình Trung-hoa một cách mạnh mẽ hơn trước, càng làm cho kiểu tư duy
huyền thoại của người Việt mất mảnh đất sinh sôi nảy nở, kể cả trong sinh
hoạt phôn-clo (folklore). Rồi từng bước ăn sâu bén rễ của văn hóa Đường,
Tống trong lòng xã hội cũng là từng bước áp đảo và đầy lùi những tàn dư
tín ngưỡng bản địa chắc vẫn còn tồn tại rải rác trên địa bàn cư trú của người
Kinh, lúc bấy giờ đã tách khỏi người Mường. Bao nhiêu đền miếu bị coi là
"dâm từ" đã bị phá hủy dưới thời Trần. Phần còn lại, Nho giáo kế chân Phật
giáo ở các đời sau đời Trần, sẽ làm nốt công việc phá hoại của nó, theo một
phương thức tinh vi hơn mà ta có thể gọi là hình thức "cải hóa dị đoan",
như tinh thần của Khổng Tử [4] . Được trang bị bởi một hệ tư tưởng coi
"tam cương ngũ thường" là "thiên kinh địa nghĩa", các đệ tử của đạo Nho
dưới các triều Lê, Nguyễn luôn luôn có ý thức đem các khuôn mẫu "trung,
hiếu, tiết, nghĩa"... áp đặt vào mọi hình thức tín ngưỡng dân gian, để làm
cho phong tục "thuần hậu" hơn. Họ đã say mê viết lại tiểu sử các vị thần
trong thần tích, phả ký, theo hướng lịch sử hóa truyền thuyết cổ tích (nhân
vật rõ ràng là hư cấu, nhưng lại cố nặn ra đủ họ tên, quê quán, bố mẹ, thời
điểm và địa điểm sinh ra và chết đi đặc biệt thay thế hành trạng ngẫu nhiên
của thần mà họ coi là xấu xí thô kệch: thần ăn mày, thần gắp phân, thần
sinh thực khí... thành các vị thần có hoạt động phò vua giúp nước), do đó
đã biến rất nhiều huyền thoại kỳ lạ chưa được giải mã, thành một loạt lý
lịch "trong sạch", "đẹp đẽ" nhưng cũng hết sức tẻ ngắt và nhàm chán. Và ta
có cơ sở để giả định rằng trong liền mấy trăm năm cần mẫn làm công việc
"khai hóa" như thế, nhà nho đã góp phần tước bỏ mất số lớn những tình tiết
và cốt truyện giàu chất liệu nghệ thuật vốn chứa đựng trong kho truyện kể
dân gian Việt-nam [5] . Mặt khác, cũng có một số trí thức địa phương
thường thêm thắt, phụ họa vào những truyền thuyết, cổ tích vốn đã định
hình (như truyện Thánh Gióng, số 134; Sự tích đầm Nhất-dạ và bãi Tự-
nhiên,
số 28) biến chúng thành những mẩu chuyện phái sinh từ truyện
chính, nhằm phục vụ cho tập tục, tín ngưỡng [6] .

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.