giữ được một chút ký ức gì về những cuộc phiêu lưu vô cùng kỳ vĩ đó[4]?
Hoặc giả, môi trường sống ổn định và đóng kín trong khoảng hơn hai nghìn
năm lại đây, với phương thức canh tác ruộng nước, với tầm nhìn chật hẹp,
chưa dám quay mặt ra biển cả mà chỉ muốn ngoái nhìn lại phía sau, sống lại
thói quen trồng trỉa hái lượm trên đồi núi thuở xa xưa (xem truyện Cố ghép,
số 94) đã không cho phép người Việt sáng tạo được những truyện phiêu lưu
mạo hiểm, ly kỳ?
Nếu xét một cách cụ thể hơn thì điều kiện hàng đầu của loại truyện phiêu
lưu là phải đi liền với chữ viết, vì việc sáng tác loại hình này đòi hỏi phải
kéo dài liên tục, đều kỳ, hết truyện này bắt sang truyện khác, mãi mãi vẫn
không dứt, nếu không được ghi lại kịp thời thì khó lòng tránh khỏi rơi vào
những mâu thuẫn buồn cười trong tình tiết cũng như nhân vật. Nhưng chữ
viết ở Việt-nam lại đóng một vai trò khá muộn trong đời sống văn chương
sách vở, và nhất là không thông dụng trong tầng lớp bình dân. Vì thế, nếu
trong quá khứ xa xăm người Việt có sáng tác loại truyện phiêu lưu thì trước
sau chúng cũng đã biến mất, chỉ sống được trong trí nhớ dăm ba thế hệ là
cùng. Nho sĩ Việt-nam xưa kia vốn quen coi "nôm na là cha mách qué" nên
cầm chắc không mấy ai chịu nhận công việc ghi chép truyện phiêu lưu một
cách tự nguyện như các học giả phương Tây đã làm đối với kho truyện của
các nước cận Đông.
Đáng để ý nữa là: ở Việt-nam cũng không có loại truyện ngăn kéo (contes à
tirois) như của Ả-rập (Arabie) (Nghìn lẻ một đêm), hay của Lào (Vi-xa-ya-
ma-chi-a) v.v...mà chỉ có loại truyện chuỗi, thường bao gồm một chuỗi
truyện nhỏ, hoặc gồm một chuỗi giai thoại, nhưng tư tưởng từng truyện nhỏ
thường gắn bó với chủ đề chung (Trạng Quỳnh, Trạng Lợn, Ông nghè Tân,
Ông Ó và có thể kể luôn truyện Cố Bợ[5]).
Loại truyện chuỗi này cũng không thoát khỏi hình thức khôi hài hoặc trào
phúng như những truyện phiêu lưu của chàng Ngốc mà trên đã dẫn.