KHO TÀNG TRUYỆN CỔ TÍCH - Trang 2290

Không chỉ sử dụng chất liệu hình ảnh cuộc sống dân tộc, truyện cổ tích
Việt-nam còn đề cập đến cung cách làm ăn muôn đời của người dân Việt cổ
truyền. Những cảnh làm ruộng, mò cua bắt ốc, chăn trâu cắt cỏ đánh giậm,
đốn củi, mổ lợn, chống đò ngang, chợ búa, chôn thuê, đi mót, đi ở, bán
hàng nước... luôn luôn có mặt trở đi trở lại thường xuyên trong nhiều câu
chuyện. Một bảng phân hạng chính xác những nghề nghiệp này và tần số
lặp lại của chúng, trong các dị bản cổ tích, theo chúng tôi sẽ giúp xác định
rõ các kiểu cốt truyện mang tính bản địa nguyên sinh
của truyện cổ tích
Việt-nam. Tuy nhiên, từ góc độ xã hội học lịch sử, ta cũng có thể tìm thấy ở
đây diện mạo của một thời kỳ mà kinh tế nông thôn, trong đó có kinh tế của
những gia đình riêng lẻ, đóng vai trò quan trọng nếu không nói là phổ biến.
Đó cũng là thời kỳ thần thoại và anh hùng ca đang ngưng lại và mất dần
ảnh hưởng, truyện cổ tích và truyền thuyết đang sinh sôi nẩy nở và đưa lại
những cảm hứng mới mẻ trong đời sống tinh thần của cả cộng đồng. Về
mặt hình thái xã hội, hẳn đây là thời kỳ ngự trị của những công xã nông
thôn để dần dần hội nhập vào cơ chế mới của xã hội quân chủ. Chính vì
thế, đằng sau vô số truyện cổ tích vẫn thường ẩn hiện lúc mờ lúc rõ bức
tranh sinh hoạt làng xã. Nhưng mỗi làng xã góp vào thế giới truyện của
chúng ta một gương mặt độc đáo. Mang đậm nét tính cách một cộng đồng
làng nghiêm túc, có thiết chế chặt chẽ, khép kín, hơn nữa có dáng dấp một
thái ấp, là truyện Hoàng Tín Hầu (số 162). Cả một tập thể bị đặt dưới
quyền sinh sát của "bảy thằng ác nghiệt" - những chủ đất quyền thế
nghiêng trời ngày xưa. Nếu có một tập thể làng chuyên môn làm cái nghề
đàn phách bán vui cho thiên hạ trong Người ả đàovới giặc Minh (số 75), thì
cũng lại có một tập thể làng khác dựa vào điều kiện địa lý hết sức đặc biệt
cùng nhau làm cái việc cướp của giết người trong Bò béo bò gầy (số 37).
Hay là hai truyện Sự tích đình làng Đa-hòa (số 123) và Người thợ mộc
Nam-hoa
(số 105) đều có đề tài liên quan đến cái đình, kiến trúc công cộng
quan trọng và thiêng liêng trong mô hình văn hóa làng Việt cổ truyền.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.