Tây. Hình ảnh vua trong cổ tích không nhiều vì vua dường như không phải
là đối tượng mà sáng tác dân gian nhắm tới, mặt khác, cũng có một khoảng
cách không thể san bằng giữa thế giới của vua (mà dân gian không được
biết) với thế giới thế tục. Người dân vẫn chỉ có thể hình dung hoàng đế như
một đấng chí tôn và vô thượng như quan niệm cha truyền con nối mà họ
vẫn tuân theo. Bên cạn vua nhà, trong kho truyện Việt-nam cũng như kho
truyện Khơ-me (Khmer) nhiều khi còn thấp thoáng bóng dáng ông vua
Trung-quốc, một hình ảnh chí tôn và vô thượng khác, nhưng vai trò nhân
vật này xuất hiện trong một số truyện chỉ để làm đối thủ (nhân vật cản trở)
của nhân vật chính, và thắng lợi cuối cùng dĩ nhiên không thuộc về phía đối
thủ (Bốn anh tài, số 66; Khổng Lồ đúc chuông, số 67; Lê Như Hồ, số 63...).
Kho truyện cổ tích Việt-nam cũng có nhắc đến nhưng thật là ít ỏi hình ảnh
những nàng công chúa, những ông hoàng tử, và vai trò của họ ở đây xem ra
không có gì nổi bật như những nàng công chúa, ông hoàng tử trong kho
truyện của Ấn-độ hay của phương Tây, trừ một vài nhân vật rất cá biệt, ví
dụ công chúa Tiên Dung trong Sự tích đầm Nhất-dạvà bãi Tự-nhiên (số
28), hay công chúa Bảo Nương và Ngọc Nương trong Hai nàng công chúa
nhà Trần (số 102).
Bộ mặt kinh đô được truyện cổ tích quan tâm đến nhiều hơn là ở khía cạnh
sinh hoạt của cái xã hội bình dân, phường phố: câu chuyện về những người
thợ thủ công, lớp người góp phần tạo nên sự sống của thành thị, như thợ
kim hoàn, thợ đúc, thợ giày, thợ bưng trống, lái hương, hàng dầu, hàng
rượu... Bên cạnh đó là những anh học trò đi học, đi thi, những thầy đồ mở
trường dạy học, những nhà tu hành đạo Phật, lác đác còn có những đạo sĩ,
phủ thùy, thầy thuốc, thầy địa lý...Và xen lẫn với họ là có một tầng lớp lưu
manh, sản phẩm của lối sống lọc lừa, lấy chợ búa, thành thị làm nơi hoạt
động, nơi đi mây về gió và náu hình ẩn tích của mình (Bà lớn đười ươi, số
91; Quận Gió, số 77...).