KHO TÀNG TRUYỆN CỔ TÍCH - Trang 2300

đấy, người ta sẵn sàng mượn lực lượng siêu nhiên và tự nhiên làm hộ (sấm
sét, ma quỷ, hổ lang,...). Câu chuyện tất nhiên không đạt được sự khoái
cảm mỹ mãn như khi theo dõi một mâu thuẫn diễn tiến tự nó, với những
tình tiết căng thẳng đến phút cuối cùng. Nhưng vẻ đẹp của nhân vật chính
diện bao giờ cũng giữ được toàn vẹn. và thính giả truyện cổ tích sẽ có được
cảm giác hoàn toàn thanh thản trong tình yêu đối với nhân vật của mình.
Một phần số nhỏ truyện cổ tích Việt-nam còn phá vỡ kết cấu đấu tranh
chính - tà theo kiểu truyền thống bằng những biện pháp táo bạo: thay đổi
chiều hướng diễn tiến của một vế (chính hoặc tà) ngay vào giữa tiến trình
câu chuyện. Trong tình huống như vậy truyện cổ tích không còn kết thúc
như nó đáng lẽ phải diễn ra (cái ác bị triệt tiêu) mà kết thúc bằng sự song
song tồn tại của cả hai vế chínhnhư cũ, hoặc có chuyển hóa nhưng cơ
bản vẫn tồn tại. Tuy thế, ý nghĩa của truyện không hề bị hạ thấp mà lại
được nâng cao hơn nhiều.

Trường hợp vì lý do gì đấy mà cái ác thay đổi, lô gích câu chuyện không có
gì khó hiểu vì mâu thuẫn chính - tà đã được xóa bỏ. Nhưng trường hợp cái
thiện thay đổi thì không phải thiện lại chuyển hóa thành ác (tâm lý dân gian
Việt-nam loại trừ khả năng này), mà chính là bản thân nó thay đổi cách
nhìn đối với ác; nó hiểu ác cũng là một mặt của cuộc sống, đối lập nhưng
không tách rời với nó, vì thế từ mục tiêu trừng trị nó chuyển sang mục tiêu
răn đe và cảm hóa để tác hại của ác bị hạn chế đến mức tối thiểu, và như
thế sẽ có ý nghĩa thiết thực hơn nhiều (xem hình vẽ: Dạng kết cấu I).
Đương nhiên, ở những trường hợp này cái thiện đã đạt đến mức "chí thiện",
và truyện cổ tích thường hình dung đấy là thiện của các bậc siêu nhân
(Trời, Phật, hay đức thánh Khổng Lồ...), nhưng với cách xử lý đặc biệt đó,
tác giả cũng có dịp đề cao lòng khoan dung độ lượng, sự thể tất nhân tình
như là vẻ đẹp cao quý của phẩm chất NGƯỜI nói chung, phẩm chất người
gắn với tâm lý cộng đồng người Việt nói riêng (các truyện Phạm Nhĩ hay là
sự tích ông ba mươi
, số 156; Người thợ đúc và anh học nghề, số 122).

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.