mươi của họ. Từ thân phận kẻ ăn người làm xấu xí, ngốc nghếch, bị hắt hủi,
phút chốc trở nên thông minh, giàu sang, làm chủ được số phận, chỉ nội
một mơ ước không tưởng thế thôi cũng đủ chứng tỏ cái nhìn thách đố của
người nông dân đối với sự an bài đầu tiên mà trật tự xã hội dành cho mình.
Đối tượng thứ hai được tác giả truyện cổ tích đề cao và ủng hộ là những
anh hùng lập nên các kỳ tích trong đời sống, kể cả những nhân vật tài nghề,
mưu trí, dũng cảm, sức khỏe, bất kể họ già hay trẻ, nam hay nữ, và thuộc
đẳng cấp xã hội nào. Truyện cổ tích nhắc đến từ một chú bé vô danh biết
dùng trí thông minh để buộc chủ nợ phải xóa nợ cho bố mẹ chú (Em bé
thông minh, số 80), cho đến một "trạng Hiền" tuổi còn rất nhỏ đã đỗ đầu
khoa thi của nhà nước quân chủ và giải đáp nổi câu hỏi hóc hiểm của sứ giả
Trung-quốc, gỡ thế bí cho cả một triều đình (số 81). Truyện cổ tích cũng
không quên tài đục chạm thần dị của ông thợ Chuẩn, một người thợ mộc
bình thường nhưng chỉ vài đường chạm đã làm cho hình các con giống hiện
lên như sống thật trên chiếc kẻ gỗ, đến nỗi Thủy phủ cũng nghe danh
(Người thợ mộc Nam-hoa, số 105). Ngay chỉ một chàng chăn trâu Bùi Cầm
Hổ (số 79), tứ cố vô thân mà dám tìm đường tiến kinh, và với đầu óc phán
đoán sắc sảo của mình làm nhà vua đương thời phải kính nể, bổ luôn chức
quan ngự sử. Rồi còn sức khỏe của Đại vương Hai (số 69), tài ăn của Lê
Như Hổ (số 63), sức vác của Khổng Lồ (số 67), thân hình của Lý Ông
Trọng (số 73), tài lặn của Yết Kiêu (số 72)... tất cả. đều được truyện cổ tích
"xếp hạng" một cách vô tư, không phân sang hèn, cao thấp. Chuẩn mực của
mọi giá trị ở đây được đo bằng những thước đo giản dị nhưng rất thiết thực:
1. Đấy quả là tài năng nổi bật khác người, và 2. Tài năng đó phải có ích cho
đời. Cách đánh giá của cổ tích thực đã vượt lên trên mọi ràng buộc, thiên
kiến, và đạt được sự công bằng.
Số lớn những truyện cổ tích nói về các nhân vật có tài nghề đặc biệt trong
kho truyện cổ tích Việt-nam đều thuộc tiểu loại cổ tích lịch sử. Điều đó cho
thấy trước khi đi vào cổ tích, họ vốn là những nhân vật có thật được truyền