từ đầu đã dành cho một sự ưu đãi, thì thế nào? Dân gian không bao giờ lại
chấp nhận dễ dàng một cách xếp đặt "tiên thiên" như vậy. Phải cọ xát, sàng
lọc phẩm chất của mỗi con người trên hành trình sống thực tế của họ. Nếu
căn cốt người nào không vững, phạm hết từ sai lầm này đến tội lỗi khác, thì
dù có "phúc đức sâu dày" bao nhiêu đi nữa, cũng đến phải bó tay trước
"phép công" [4] mà thôi. Anh nho sinh trong truyện Chưa đỗ ông nghè đã
đe hàng tổng (số 52) chẳng phải có một bản mệnh vô cùng tốt đẹp đấy hay
sao? Nhưng anh ta ỷ vào điềm báo do người thủ từ cung cấp, chưa đỗ ông
nghè đã toan bỏ vợ và chiếm đất của người, kết quả anh bị xóa tên trong sổ
thiên tào, thi mãi không đỗ, cuộc đời dần dần tàn lụi. Thiên mệnh dưới con
mắt nhìn của truyện cổ tích rõ ràng không phải là một cái gì nhất thành bất
biến, mà thực tế con người có thể tác động để thay đổi nó. Đó là ước mơ và
cũng là triết lý nghiệm sinh của dân gian. Còn nếu gặp những trường hợp
đặc biệt, con người phải đối diện với một sự bất công gay gắt của mệnh mà
không tài nào hiểu nổi, bằng tu dưỡng đạo đức cũng không tìm được lối
thoát ra, thì dân gian sẽ không loại trừ khả năng kêu gọi sự vùng lên chống
lại. Trong truyện Sự tích đầm Mực (số 29), hai anh em nhà Gàn, con thần
Nước, đã tự nguyện đánh đổi lấy cái chết, để giúp đỡ thầy học chống lại
lệnh "phong bế" vô lý của thiên đình. Họ chết nhưng lý trí sáng suốt đã
chiến thắng sự mù quáng tàn bạo của mệnh trời. Câu chuyện là một vở bi
kịch lạc quan của con người trước khát vọng làm chủ số phận.
Bên cạnh tư tưởng "thiên mệnh", thế giới quan dân gian cũng liên quan đến
tư tưởng tôn giáo. Nhưng như đã nói, ở Việt-nam tư tưởng tôn giáo không
có điều kiện bắt rễ sâu trong đời sống, và loại truyện truyền bá tôn giáo
yếm thế trong khi truyện cổ tích Việt-nam vốn không có nhiều. Còn các
nhân vật vốn là biểu tượng của tôn giáo như Bụt, Tiên, Ngọc Hoàng... thì
đều đã được cái nhìn thực tiễn của dân gian - dân tộc nhân cách hóa để trở
thành những lực lượng cứu tinh đối với mọi người dân cùng khổ. Hình ảnh
Bụt được người Việt xếp cao hơn cả vị vua cõi trời là Ngọc Hoàng Thượng
đế, ví dụ ở truyện Phạm Nhĩ hay là sự tích ông Ba mươi (số 156), tài phép