như Ngọc Hoàng vẫn núng thế trước Phạm Nhĩ, phải cầu đến phép thần
thông của Phật mới bắt được tội nhân. Truyện cổ tích Việt-nam thường xây
dựng Ngọc Hoàng thành một nhân vật khó tính, trang nghiêm, còn Bụt mới
thật sự hiện thân cho vẻ đẹp hiền từ và nhân hậu. Bụt luôn luôn xuất hiện
đúng lúc để giải cứu cho những ai đang ở trong tình thế quẫn bách nhất,
nên đấy cũng là một phương tiện thẩm mỹ giải tỏa ẩn ức, làm người nghe
truyện thỏa mãn.
Đạo giáo in dấu trong cổ tích không được rõ nét bằng Phật giáo và Nho
giáo. Tư tưởng nhàn tản, chủ nghĩa hư vô là miếng đất khá mầu mỡ của văn
học thành văn, nhưng lại khá xa lạ với văn học dân gian Việt-nam. Truyện
Phạm Viên dường như có mục đích đề cao một nhân vật tu hành theo Đạo
giáo, có nhiều phép thuật linh thiêng, nhưng câu chuyện lại có thể gây phản
tác dụng với chính Đạo giáo khi nội dung cho thấy, muốn trở thành bậc tiên
phong đạo cốt, người tu hành phải trải qua đủ mọi thử thách vừa vất vả vừa
kinh khủng. Kiểu sống lánh đời vô vi của Đạo giáo nói chung không mấy
khi mê hoặc được những con người bám trụ trong thực tiễn. Nho giáo được
truyện cổ tích mặc nhiên đề cao bởi lẽ như ta biết, nho sĩ là một lực lượng
quan trọng góp phần vào hoạt động sáng tác và chỉnh lý truyện dân gian.
Truyện Người học trò với ba con quỷ (số 131) cho ta hình ảnh anh học trò
chỉ "đọc sách thánh hiền" vậy mà trị được quỷ dữ hơn cả pháp sư và phù
thủy.
Có lẽ ở đây cách nghĩ thiết thực của dân gian về cuộc đời đã bắt gặp thái độ
"kính quỷ thần nhi viễn chi"
敬 鬼 神 而 遠 之 - kính trọng quỷ thần nhưng
xa nó - của đạo Khổng. Mặc dù vậy, hình ảnh Khổng Tử, bậc thầy chí tôn
của nhà nho, vẫn không hề thấy xuất hiện trong cổ tích (trừ một vài lần
hiếm hoi đóng vai phản diện trong truyện cười) như vai trò của Bụt hay
Ngọc Hoàng.
Một mặt bình dân hóa tư tưởng tôn giáo nhằm mượn nó lý giải những