Và các nhân vật của cổ tích bất kể xuất hiện trong tư cách nào và hoạt động
ở môi trường nào, đều như có một động lực thôi thúc bên trong, khiến họ
trở nên gần gũi. Không phải chỉ có Hầu Tạo (số 98), chàng Lía (số 64) dám
khinh rẻ bọn quan lại chấp chính đương thời và lực lượng hùng hậu của
chúng, đến Từ Thức (số 130), ông Dọng (số 123) cũng tỏ ra bất bình đối
với thiết chế xã hội. Nếu cái chết của hai ông tướng đá Rãi (số 62) như một
lời nguyền nghiêm khắc của lịch sử, trước mọi ý thích dựng xây đồ sộ,
phung phí sức người sức của, của những kẻ cầm đầu không tỉnh táo, thì cái
chết của ông Dầu bà Dầu (số 31) lại là một lời nguyền rủa khác của công
luận, vạch đúng tim đen kẻ cá nhân vị kỷ, làm nhức nhối tâm trí nhà vua
bạo tàn. Với tấm lòng khẳng khái, vô tư và tài năng sẵn có, Quan Triều (số
139), Cố Bu (số 96), Nam Cường (số 95) đã giành được những món tiền và
thóc bất lương đem phân phát cho người nghèo khó, thì cũng phải với một
tinh thần vị tha cao cả, Cố Ghép (số 94), Đại vương Hai (số 69), Điền quận
công (số 71) mới dám đứng ra đương lấy những "đại sự" trong tình thế bắt
buộc phải quên mình. Một sự phản tỉnh của Thủ Huồn (số 30) là ước mơ
của dân gian đưa con người trở lại với lương tri lương năng (cũng là ước
mơ không tưởng xóa bỏ mọi sự áp bức bất công bằng sám hối tự nguyện),
thì một sự phản tỉnh của Lý Ông Trọng (số 73), lại là ước mơ được sống
yên ổn trong cộng đồng bộ lạc thân thiết của mình, không bị một kẻ thù bên
ngoài mạnh hơn uy hiếp (về sau sẽ được bồi đắp, củng cố thành truyền
thống yêu nước).
Đành rằng truyện tự sự dân gian nước nào cũng kết tinh những phẩm chất
đẹp đẽ của cộng đồng dân tộc, nhưng cái phẩm chất được cố kết lại thành
một nét đặc trưng của rất nhiều hình tượng nhân vật trong truyện cổ tích
của người Việt: nhạy cảm với nỗi nhục bị đè nén, không chịu nổi lối sống
hèn mọn và bất khuất trước mọi kẻ thù, cũng là nét đặc trưng cao nhất
xuyên suốt mọi tiến trình lịch sử của đất nước chúng ta. Không ai đánh
đồng các phẩm chất xã hội học với các phẩm chất mỹ học với nhau, nhưng