3. Đề cao nhân vật nữ, truyện cổ tích Việt-nam cũng không bỏ quên một
mảng đề tài gắn bó mật thiết với tính cách nhân vật nữ: mảng đề tài về tình
yêu và hôn nhân. Một hiện tượng gần như phổ biến là nhân vật đóng vai
trung tâm của những chuyện luyến ái không phải là nông dân thuần túy,
cũng không thuần túy là vương hầu. Thông thường nam là một anh học trò
chưa vợ, dù con nhà nghèo đói cũng có dùi mài kinh sử hoặc chuẩn bị đi
thi, nghĩa là học vấn khá và có triển vọng bước đến một tương lai rạng rỡ.
Về nữ thì thường là con gái phú ông, hoặc trưởng giả, cũng có khi là con
gái nhà quan. Sẽ là điều lý thú, nếu ta so sánh với truyện cổ tích phương
Tây: đóng vai trung tâm trong các truyện tình yêu của cổ tích phương Tây
cũng không phải là nông dân, mà có khi là hoàng tử và công chúa, có khi là
kỵ sĩ và công nương [6] . Phải chăng có sự gặp gỡ nào đó giữa Tây và
Đông? Có lẽ khi nói đến tình yêu lý tưởng thì người ta thường tìm những
mẫu người hào hoa phong nhã (nam), những người đẹp (nữ), những nhân
vật mà ta quen gọi là "trai tài gái sắc". Hoàng tử hay kỵ sĩ, công chúa hay
công nương chính là những mẫu người lý tưởng tiêu biểu cho hạng trai tài
gái sắc ở xã hội phương Tây trung cổ. Xã hội Việt-nam dưới các triều đại
quân chủ, hoàng tử và công chúa cũng có thể là mẫu người tiêu biểu cho
cái hào hoa phong nhã và cái đẹp. Vì vậy, trong truyện cổ tích mới có
những cô gái đẹp ước ao lấy chồng hoàng tử, ví dụ Cô gái lấy chồng hoàng
tử (số 144), Bốn cô gái muốn lấy chồng hoàng tử (số 166). Và cũng có
những chàng trai xuất thân nghèo khổ có vinh hạnh được lấy công chúa
như Chử Đồng Tử (số 28); những ông nghè, ông trạng, quan tân khoa tốt số
được vua đính ước gả con, như Tống Trân (trong Tống Trân - Cúc Hoa).
Cũng phải là biểu tượng của người đẹp, thì công chúa mới được dùng để
treo giải cho những anh hùng nào tiêu diệt được đại bàng, mãng xà... (như
trong Thạch Sanh, số 68; Tiêu diệt mãng xà, số 148, v.v...)