khác, trong nhiều môi trường sinh hoạt tương tự. Bốn đặc điểm rút ra được
ở trên, vì thế, luôn luôn có ý nghĩa tương đối, và cần được nhìn nhận một
cách tương đối. Có thể tóm lược lại như sau:
1. Yếu tố tưởng tượng của người Việt-nam trong sáng tác cổ tích gần như
ít xa lạ với nhân tính. Truyện thần kỳ của chúng ta nói chung khá lý thú, là
kết quả của sự phối hợp khéo léo giữa hai nhân tố thực và ảo, nhưng số
lượng lại không nhiều.
2. Truyện cổ tích Việt-nam thường bắt rễ từ môi trường sinh hoạt của một
xã hội quân chủ kiểu phương Đông, lấy làng xã làm nền tảng. Nó thường
toát lên vẻ đẹp cân bằng, cái hiền hòa, cái nhân đạo.
3. Nhân vật tích cực trong cổ tích Việt-nam thường tỏ ra không bằng lòng
với hiện thực; luôn luôn hướng tới một thế giới mới, với những hệ giá trị
mới, công bằng hơn, hợp lý hơn.
4. Nhiều truyện đề cập đến vai trò năng động của người nữ, và thường
phản ánh khát vọng tình yêu và hôn nhân tự do.
Bốn đặc điểm trên vừa bao quát cả nội dung tư tưởng lẫn phương thức tư
duy nghệ thuật, cấu trúc và hình tượng của truyện cổ tích Việt-nam. Tựu
trung, truyện cổ tích Việt-nam phản ánh bằng hình thức thẩm mỹ dân gian -
dân tộc ước mơ hạnh phúc nhiều đời của quần chúng nhân dân. Đó là cuộc
đấu tranh thầm lặng, lâu dài giữa lý tính ngày càng trỗi dậy, chống với mọi
thành kiến giáo điều, "hóa giải" mọi sự cực quyền vô lý và bảo thủ. Đó
cũng là tất cả ý nghĩa, giá trị của truyện cổ tích Việt-nam.