KHO TÀNG TRUYỆN CỔ TÍCH - Trang 2338

Nguyễn đổng Chi

Kho Tàng Truyện Cổ Tích

V. THỬ TÌM NGUỒN GỐC TRUYỆN CỐ TÍCH VIỆT - NAM

1. CÁC TRƯỜNG PHÁI CỔ TÍCH HỌC XƯA NAY VỚI VẤN ĐỀ

CÁI "CHUNG" VÀ CÁI "RIÊNG" TRONG LOẠI HÌNH CỔ TÍCH

Như chúng ta biết, lịch sử bộ môn văn học dân gian thế giới phát triển
mạnh mẽ chừng khoảng một thế kỷ gần đây đã gợi lên nhiều vấn đề lý thú,
làm nổ ra nhiều cuộc tranh luận đến nay hầu như chưa vơi ý nghĩa, đóng lại
nhiều hướng tìm tòi đã quá lỗi thời, cũng như mở ra nhiều con đường thuận
lợi giúp các nhà cổ tích học nhiều nước xích lại gần nhau về phương pháp,
do đó đưa lại nhiều triển vọng trong nhận thức, khám phá ra nhiều điều mới
mẻ của thế giới cổ tích nước mình mà trở về trước tưởng chùng như luôn
luôn vẫn là điều bí ẩn.

Không kể một thời kỳ khoảng một thế kỷ rưỡi trước đây, từ trường phái
thần thoại ngữ văn Ấn - Âu ra đời vào những năm nửa đầu thế kỷ XIX mà
chủ xướng là hai anh em nhà cổ tích học nổi tiếng người Đức Grim[1], qua
trường phái Ấn-độ[2] rồi trường phái nhân chủng học[3], cho đến trường
phái địa lý học lịch sử xuất hiện ở Phần-lan (Finlande) vào đầu thế kỷ
này[4], thì vấn đề nghiên cứu các loại hình tự sự dân gian trong đó có cổ
tích, quả thực đã phá vỡ được hàng rào quốc gia chật hẹp để trở thành một
vấn đề có ý nghĩa và phạm vi quốc tế. Mặc dầu không thể không cảnh giác
trước bao nhiêu ý kiến lệch lạc của các trường phái này, trong đó có những
thiên kiến hẹp hòi, thậm chí có lúc có người đã sa đà vào chủ nghĩa chủng
tộc, người ta vẫn không kém ngạc nhiên trước vô số thành tựu cụ thể mà
các trường phái nói trên đã tổng hợp được. Nó cho phép gạn lọc để đi dẫn
tới một phương pháp thực sự đúng đắn, qua đó có thể nhìn nhận truyện tự
sự dân gian của mọi dân tộc như là một di sản tinh thần thống nhất, với
những đặc trưng thống nhất về tư tưởng cũng như loại hình.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.