KHO TÀNG TRUYỆN CỔ TÍCH - Trang 2339

Việc vạch ra một nguồn gốc chung của truyện cổ dân gian một số nước
Đông Tây, chẳng hạn nguồn gốc A-ri-an (Aryens)[5] trong trường phái thần
thoại học, hay nguồn gốc Ấn-độ trong trường phái Ấn-độ học, tuy rằng
chứa đựng không ít sai lầm về mặt quan điểm, và nếu cứ nhắm mắt tin theo
thì vô tình sẽ ảnh hưởng đến việc nhận thức đúng đắn tiến trình vận động
của loại hình tự sự dân gian trong quá khứ; nhưng ít ra về một mặt nào đó,
những nhận định cực đoan kiểu này cũng bao hàm trong nó một hạt nhân
hợp lý: mối quan hệ mật thiết và sự giao lưu thường xuyên trong đời sống
văn hóa, tinh thần của các dân tộc thời cổ đại và trung cổ là một hiện tượng
có thực, đã diễn ra theo những con đường trao đổi hàng hóa và truyền bá
tôn giáo phổ biến từ Âu sang Á, từ Á sang Âu. Và trong những mối quan
hệ qua lại không bao giờ thụ động và một chiều đó, thì ảnh hưởng tích cực
của những "bếp lửa" văn hóa nhân loại thời cổ, như Ấn-độ, Ai-cập
(Égypte), Hy-lạp (Grèce), Trung-hoa... đối với các nền văn hóa khác là điều
ít ai có thể nghi ngờ.

Cũng như vậy, việc phân loại tỷ mỷ truyện cổ tích thành hàng trăm hay
hàng nghìn mô-típ phổ biến, và việc phân tích sự kết hợp các mô-típ ấy
thành vô số típ hay mẫu đề trong kho tàng cổ tích thế giới của trường phái
Phần-lan (Finlande), tuy tựu trung vẫn chưa thoát khỏi hình thức chủ nghĩa,
và ít nhiều có làm cho tính chất hữu cơ trong kết cấu truyện cổ dân gian bị
cắt rời thành từng mảnh, nhưng dù sao, đây vẫn là những phát hiện bước
đầu hết sức quan trọng mà nhờ đó khoa phân tích truyện cổ tích mới thoát
khỏi sự suy đoán tùy tiện để đi vào một thời kỳ mới với hy vọng tìm ra
được cái kết cấu đích thực bên trong, cái quy luật vận động chung nhất và
cái lô-gích của tư duy nghệ thuật dân gian.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.