123). Trong kho tàng truyện kể của đồng bào Tày, Nùng, hình ảnh này
được lắp đi lắp lại trong khá nhiều truyện. Không những thế, ở kho truyện
của đồng bào Tày, Nùng còn có một vài hình ảnh cùng loại (chẳng hạn nuôi
một giống sâu bọ nào đó trong chum bằng cháo, sau một thời gian nhất
định, giống sâu bọ ấy sẽ biến thành người, hay là trồng một giống tre (hoặc
vầu) sau một thời gian nhất định, mỗi lóng sẽ nổ tung, từ trong vọt ra một
con người cưỡi ngựa, đều sẵn sàng tuân lệnh chỉ huy). Hình ảnh rấm lúa
thành binh nói trên cũng xuất hiện nhiều lần trong văn học nói và viết
Trung-quốc thời cổ, mà khởi đầu có lẽ từ truyện Bình thoại Tam quốc
三 國
評 話 nói về một hoạt động của quân sư Gia Cát Lượng biết cách ném hạt
đậu cho chúng biến thành quân.
Hay là một ví dụ về tình tiết. Trong truyện Kẻ trộm dạy học trò (số 83) có
nhân vật Lâu, một anh chàng bản tính khờ khạo đi theo học nghề ăn trộm,
hôm ấy bị người đuổi gấp, phải chui vào một bụi tre, may khỏi bị bắt,
nhưng vì gai tre dày đặc, nên không dám chui ra. Khi ông thầy được nhắn
đến cứu, ông chỉ kêu lên một tiếng: - "Ối làng nước, có tên trộm trốn ở
đây!". Thế là chàng học nghề chui phắt ra khỏi bụi, thoát về nhà bình yên.
Tình tiết trên giống với một mẩu chuyện về Tào Tháo và Viên Thiệu. Hồi
còn trẻ tuổi, hai người này là bạn, thích đi tìm cái thú trong phiêu lưu. Một
đêm nọ, họ đến một nhà kia có hai vợ chồng mới cưới. Họ cùng lẻn vào
vườn, đột nhiên kêu lên: - "Có trộm!". Khi mọi người đổ ra thì Tào Tháo
bước vào nhà tuốt kiếm nắm lấy cô dâu, còn Thiệu nhanh chân chui vào
một bụi gai. Nhưng vì bụi gai quá rậm nên chui vào dễ mà chui ra rất khó.
Thấy vậy, Tháo lại thét lên: - "Kẻ trộm đây rồi!" Thiệu nghe vậy rất hoảng
bèn vùng ra khỏi bụi, rồi cả hai cùng bỏ chạy.
Tình tiết hay mẩu chuyện này được Lưu Nghĩa Khánh
劉 義 慶 (403-444)
ghi lại trong tác phẩm của ông: Thế thuyết tân ngữ
世 説 新 語 mở đầu của
chương nói về sự lừa bịp[20].
Một ví dụ về mô-típ. Như đã trình bày ở phần truyện, truyện Sự tích con dã
tràng (số 15) của ta chính là sử dụng mô-típ người hiểu tiếng loài vật bị tội
oan, tức Công Dã Tràng trong Luận ngữ
論 語 Nhưng tác giả dân gian
Việt-nam đã kết hợp phần nào với mô-típ người hiểu tiếng loài vật của Ấn-