thuộc tiểu loại thần kỳ. Sự thật là vậy. Nhiều truyện thần kỳ của chúng ta
nếu không có mặt trong sách Pan-cha-tan-tơ-ra (Panchatantra), một sưu tập
những truyện giáo huấn khá phổ biến do Vi-nu-xác-man (Vinoussarman)
biên soạn thì cũng có thể có mặt trong các bộ kinh Tam tạng, Đại tạng, hay
là bộ sách lớn Ka-tha-xa-rít-xa-ga-ra (Kathâsaritsâgara: Biển truyện) do Sô-
ma Đê-va (Soma Déva) sưu tập.
Truyện Tiêu diệt mãng xà (số 148) nói về một nhân vật anh hùng giao chiến
với mãng xà - con vật chuyên ăn thịt phụ nữ, được nhà vua định kỳ cung
đốn hằng năm. Truyện này rất phổ biến ở nhiều địa phương trong nước ta,
với những hình tượng biến đổi khác nhau (ví dụ mãng xà có khi là rết thần,
có khi là lợn thần, có khi là muỗi thần, cũng có khi là quỷ Xương Cuồng,
ma Rai, bà Dằn, v.v...); cách giết là bằng dao kiếm, nhưng cũng có khi bằng
mẹo, bằng hun lửa, hoặc bằng cứt gà, v.v... Có lẽ đây là câu chuyện gắn với
một cổ tục xa xăm: việc hiến tế bằng máu người mà dường như ở Việt-nam
dưới thời phong kiến vẫn còn lưu tàn tích. Nhưng Tiêu diệt mãng xà cũng
lại là mô-típ quen thuộc của kho tàng cổ tích từ Á sang Âu. Riêng ở Trung-
quốc, Ê-béc-hac-đơ (W. Ếberkhard) giới thiệu cho ta đến 14 dị bản. Vậy cốt
truyện từ lâu đã mang tính quốc tế. Sách Sưu thần ký
搜 神 記 từng chép
nó vào khoảng thế kỷ IV. Nhưng trong Sưu thần ký lại không thấy chép
phần sau của truyện vốn cũng phổ biến không kém gì phần đầu (tức là từ
chỗ nhân vật anh hùng đi tìm mảnh kiếm gãy giắt trong đầu mãng xà làm
cho sự dối trá của nhân vật cản trở bị bại lộ). Ở truyện Ấn-độ, thay cho
mảnh kiếm là khúc đuôi mãng xà; ở truyện Áp-ga-nit-xtăng (Afghanistan)
cũng như trong Tờ-rít-xtăng và I-dơn (Tristan et Iseult) thì nhân vật anh
hùng sớm cắt được cái lưỡi quái vật; cả ở truyện của dân tộc Ja-rai (Djarai)
là nhờ cô gái (nạn nhân được cứu) giữ được vỏ gươm và đuôi khố ân
nhân..., nói chung đều là dấu hiệu để người được cứu nhận ra ân nhân thực
của mình. Chính vì thế, chúng tôi cho rằng truyện này là do người Việt-nam
tiếp thu được của Ấn-độ hơn là của Trung-quốc.
Truyện Người dân nghèo và Ngọc hoàng (số 136) của ta là một câu chuyện
có cấu trúc rất chặt chẽ, hình tượng nhân vật và mọi tình tiết đều mang tính
dân tộc đậm đà, tính tư tưởng cũng khá nổi. Mục đích của nhân vật chính là