đôi trai gái ruột thịt nghèo khổ trở nên thành vợ chồng"[4]. Truyện về sau
sẽ lan truyền gắn bó với những địa điểm khác có núi đá hình dạng mẹ ôm
con (ngoài Lạng-sơn còn có Thanh-hóa, Bình-định), mỗi nơi lại xuất hiện
một vài dị bản, nhưng vẫn cố gắng bảo lưu chủ đề vốn có.
Truyện Thánh Gióng (số 134): hình như ngay từ buổi phôi thai, việc hoàn
chỉnh hình tượng nghệ thuật Gióng đã có sự đóng góp, tu sức bởi truyện
Lệnh Trừ của đồng bào Tày; hay cũng có thể ngược lại, truyện người Tày
chịu ảnh hưởng của truyện người Kinh, vì giữa hai bên cơ bản giống nhau.
Nhân vật chính của truyện Lệnh Trừ không phải là em bé lên ba, mà là một
con cóc thần. Cũng có tình tiết sứ giả theo lệnh vua, rao tìm người tài để
đánh đuổi giặc. Yêu cầu của cóc đưa lên vua cũng là rèn gươm sắt, ngựa
sắt, nhưng có nêu số lượng cụ thể: 3.000 cân gang làm cốt, 200 cân sắt làm
vỏ và 14 cân lông tóc của nam nữ làm bờm và đuôi[5], v.v... Vua cho làm
ngay nhưng vật liệu không đủ như số đã nêu, nên khi cóc cưỡi, ngựa không
chịu đựng nổi bị khuỵu lưng, tuy vậy rồi cũng cố gắng chạy được. Gặp
giặc, ngựa cũng phun lửa đàng mồm, phun khói đàng mũi[6].
Nhưng không những giống với truyện của đồng bào Tày, truyện Thánh
Gióng của chúng ta còn là tập đại thành của một loại hình tượng nghệ thuật
gần gũi trong kho tàng truyện cổ của đông bào các dân tộc Tây-nguyên,
như Mơ-nông (Mnon), Ba-na (Bahnar), Ja-rai (Djarai), v.v... vì nhân vật
anh hùng ở đây cũng mang dạng phổ biến là một em bé, cũng ăn rất khỏe,
có khi lên bốn đã thạo sử dụng khiên đao, hoặc có khi vươn vai cao bằng
cây " kơ-nia", cũng có tình tiết nhờ thần rèn gươm hộ, phải rèn đi rèn lại
đến mấy lần mới thành, hoặc có tình tiết bắt được con ngựa thần từ một
khối đá hóa ra. Đó là chưa kể cốt truyện của chúng ta còn có họ hàng xa
với nhiều dị bản của truyện Tro Bếp nam - Cendrillon masculin, theo cách
gọi của Cô-xcanh (E. Cosquin) - cũng mang ít nhiều mô-típ tương tự.