vật người - hươu chẳng hạn, có mặt trong một số dị bản của người Tày,
Choang (Trung-quốc), Dao, Mường, Thái... (xem Khảo dị truyện Ả Chức
chàng Ngưu, số 182) là một kiểu nhân vật nửa người nửa vật đặc sắc nhưng
cũng chỉ lưu truyền giới hạn trong những dị bản đó mà thôi, chứ không đi
xa hơn[10]. Điều đáng lưu ý ở đây là hình ảnh cái sừng của nhân vật trao
lại cho đứa con - chỉ riêng với đứa con - dặn nó cứ kéo đến chỗ nào sừng
cắm lại thì ở đó, đứa con có thể trồng trọt làm ăn thịnh vượng. Người -
hươu rất có thể là biểu tượng của nghề săn bắn vào thời nguyên thủa nhưng
cái sừng hươu trong truyện phải chăng lại là một biểu tượng giao thoa
mang hai lớp nghĩa, vào giai đoạn nghề săn bắn đã và đang chuyển sang
trồng trọt? Truyện Sự tích hồ Ba-bể (số 27) cho thấy khá rõ một dấu vết
hoán cải theo tinh thần giáo huấn tôn giáo đối với một cốt truyện có nguồn
gốc thần thoại của đồng bào địa phương. Đề tài truyện của ta chỉ là sự thử
thách và trừng phạt của bà thần đối với bọn người giả dối, chỉ biết thờ Phật
ngoài cửa miệng mà không chút từ tâm trước những lời kêu cứu của một
con người già nua bệnh tật. Các dị bản của nó ở đồng bào Tày, Dao, Thái
phần nào giúp ta hình dung trở lại các dạng lưu hành của bản gốc. Tuy
nhiên, ở truyện của ta, nét cổ kính vẫn chưa mất hết; vẫn còn bóng dáng
con giao long vốn là biểu tượng của thần Nước. Có lẽ từ đầu,người đời cổ
muốn cắt nghĩa hiện tượng đất sụt (hay động đất) bằng sự vùng vẫy của
một giống bà trùng khổng lồ nào.
Truyện Vụ kiện châu chấu (số 170) đề cao tài biện luận của con gà trống
con, về nội dung khác với các dị bản của Tày, Dao, Thái, Mèo... mà đề tài
thường hướng vào việc giải thích nguồn gốc sự vật (tại sao con ve không có
ruột) mặc dầu giữa chúng đều cùng có một kiểu cấu trúc (trừ truyện của
dân tộc Mèo cấu trúc có khác). Rõ ràng truyện của ta phần nào đã được
nâng lên về mặt nghệ thuật, có nghĩa là nó không hẳn là bản gốc.