thay thế Tấm, và nhà vua cũng mặc nhiên coi Cám là vợ. Truyện không hề
lý giải thêm bằng một hình ảnh cưới xin nào. Trường hợp của ta, của người
Cham-pa, Khơ-me (Khmer), Tày và các dân tộc ở Đông-dương, v.v... đều
có tình tiết này trong khi nhiều truyện của các dân tộc khác thì không thấy
có. Có khả năng là cả loạt truyện đều từ một cốt truyện ban đầu và phân ra
nhiều nhánh, và khi đến cư ngụ ở phía Nam bán đảo Đông-dương, chính
cốt truyện ban đầu đã hội nhập ngay với một phong tục phổ biến: Vợ chết,
chồng có thể lấy luôn chị hoặc em của vợ (levirat) mà ở nhiều dân tộc trong
vùng, ví dụ người Ba-na (Bahnar) ở Tây-nguyên cho đến thời cận đại vẫn
chưa biến mất.
Truyện Sự tích thành Lồi và Sự tích tháp Nhạn (số 34 và Khảo dị) kể câu
chuyện xây thành thi giữa hai đội quân Chàm và Việt nhằm tránh cho cả hai
một cuộc chiến tranh đổ máu, chắc hẳn chịu ảnh hưởng trực tiếp từ truyện
Sự tích vua Klong Ga-rai xây tháp thi của người Cham-pa. Người Cham-
pa, người Khơ-me (Khmer) còn lưu truyền nhiều truyện cổ nói về những
truyện xây cất công trình nhà cửa, trong đó có hình ảnh dùng mẹo để chiến
thắng đối phương.
Giữa hai dân tộc Kinh và Cham-pa còn có khá nhiều truyện cùng được kể
giống nhau, được phổ biến rộng rãi như nhau, nhưng thật khó biết bên nào
ảnh hưởng của bên nào. Ví dụ truyện Con cóc liếm nước mưa (số 141):
nhân vật nữ giết người chồng mới để báo thù cho chồng cũ, sau khi được
biết vai trò nhân vật cản trở do chính hắn đóng (âm mưu tàn bạo hãm hại
chồng cũ) và cũng do miệng hắn tự tố cáo. Hay là truyện Chàng rể thong
manh (số 194): nhân vật chính rất láu lỉnh, tuy mù nhưng vẫn làm cho mọi
người trong gia đình nhà vợ tưởng là mình sáng mắt. Phải chăng các truyện
này đều xuất hiện trong quá trình chung sống giữa hai dân tộc rồi mỗi bên
tự coi đó là tác phẩm của mình?