chuyện đại hồng thủy phổ biến trong các dân tộc châu Á và châu Úc, về sau
được một số địa phương - trong đó có chúng ta - cổ tích hóa để đề cao một
mẫu người không bằng lòng với hiện thực - kiểu anh hùng "bạo thiên
nghịch địa" dám chống lại trật tự do tầng lớp thống trị mới dựng lên sau khi
chế độ nguyên thủy tan rã.
Những ý kiến sơ bộ trên còn phải thẩm tra thêm, khi có thêm tài liệu thật
phong phú. Trong lĩnh vực cổ tích quả còn nhiều vấn đề đáng được đặt ra,
cũng như cần phải cất công rà xét, lật đi lật lại. Chẳng hạn ở truyện Ông Hộ
giết thuồng luồng (Khảo dị truyện số 69) nhân vật anh hùng phải chui vào
bụng con quái vật để tiêu diệt nó từ bên trong; hay ở truyện Lấy chồng dê
(số 128) nhân vật vợ dê chỉ giết được con cá sau khi để nó nuốt mình vào
bụng; những hình tượng như thế điểm lại không nhiều, thế nhưng cũng nên
biết chúng phát sinh từ đâu và vào lúc nào. Có hẳn rằng loại hình tượng
chém rồng (hay thuồng luồng, hay cá) từ bên trong phải được xem là có
trước loại hình tượng tấn công rồng từ bên ngoài như Ia. Prôp (V.Ia-propp)
[13] nói? Chỉ một câu hỏi đơn giản thế thôi cũng đã gợi biết bao những
điều hấp dẫn khi đi vào cội nguồn của những truyện cổ tích cụ thể cá biệt
trong kho truyện dân tộc.
Tóm lại một bộ phận không nhỏ truyện cổ tích của người Kinh chúng ta
còn thu hút tinh hoa từ các kho truyện cổ của các dân tộc anh em trong
cộng đồng quốc gia Việt-nam và các dân tộc láng giềng xa gần.
Trên con đường nhận thức lại quá khứ, những truyện ấy có thể mách cho
chúng ta nhiều vấn đề bổ ích: về tàn dư phong tục thời cổ đại, về nguồn gốc
dân tộc và về sự hòa hợp dân tộc, v.v...[14].
4. NGUỒN GỐC BẢN ĐỊA CỦA TRUYỆN CỔ TÍCH VIỆT NAM