những tia sáng để lần theo đó đi tìm các dạng sơ đồ nguyên thủy, trước khi
chúng được hội nhập vào dòng chảy của cả con sông. Chúng phải trải qua
xáo trộn, biến đổi về chất để trở thành những giá trị lớn hơn.
Xem xét lại con số thống kê, khối lượng nhóm truyện bản địa bao gồm
nhiều nhất là tiểu loại thế sự và nửa thế sự và tiểu loại lịch sử. Có rất ít
truyện thuộc tiểu loại thuần túy thần kỳ. Dựa trên chỉ số đó, chúng tôi xin
nêu lên dưới đây một vài gợi ý sơ lược về một ít biểu mẫu, sơ đồ có thể là
chưa tiêu biểu - để người đi sau dễ dàng nhìn sâu hơn vào gốc rễ dân tộc
trong tư duy cổ tích Việt-nam.
1. Trước tiên hãy nói đến tiểu loại nửa thế sự. Gọi là nửa thế sự nhưng yếu
tố thế sự mới đóng vai trò chủ yếu. Yếu tố thần kỳ chỉ đóng vai trò phối
thuộc. Đề tài thế sự phần lớn là các mối quan hệ gia đình được xã hội hóa:
vợ chồng (hoặc rộng hơn nam vũ nữ yêu nhau rồi thành vợ thành chồng),
anh em (hay cô cháu, bác cháu, dì cháu...), bạn bè... Chủ đề thường giới
hạn ở ba phương diện, nhưng không tách hẳn nhau: l. Tình yêu (mặt trái là
ghen tuông, ngờ vực), tình chồng vợ (mặt trái là không tốt với đứa con
riêng, không tốt với bạn chồng); 2. Đạo đức (mặt trái là dối trá, bất nhân,
bạc ác); 3. Xã hội: giàu nghèo, đói kém... Triển khai các chủ đề trên thường
bao giờ cũng đẩy mọi quan hệ đến những xung đột không thể hòa giải (trừ
một vài truyện khai thác sự chung thủy của tình yêu). Và kết cục là cái chết
thương tâm của nhân vật. Yếu tố thần kỳ xuất hiện đúng ở điểm kết thúc,
theo những ước lệ có sẵn trong tư duy truyền thống: nhân vật chết nhưng
hóa chim, hóa đá, hóa cá, hóa cây... Nhưng cũng nhiều khi yếu tố thần kỳ
còn can thiệp sâu hơn, vận dụng phối hợp một vài hình thức tín ngưỡng có
hoán chuyển ít nhiều, tạo ra những kết thúc không đơn giản. Và như thế, ta
có hai dạng sơ đồ về tiểu loại nửa thế sự.