trưng của loại hình cổ tích - cũng như do kết cấu cổ truyền của một truyện
kể, đã bị vi phạm. Truyện Bà lớn đười ươi (số 91) đúng ra chỉ có thể xuất
hiện vào thời kỳ kinh tế hàng hóa phát triển, khoảng cuối thế kỷ XVIII đầu
thế kỷ XIX. Phạm Đình Hổ - tác giả Vũ trung tùy bút - sống vào thời đó có
cung cấp cho ta một dị bản. Thời kỳ này ở Thăng-long, công thương nghiệp
có cơ thịnh đạt, dân số đông đúc, đó là bối cảnh hoạt động thuận lợi cho
những tổ chức của bọn lưu manh. Nếu cốt truyện Lưu Bình - Dương Lễ ra
đời muộn nhất là gần với thời kỳ nữ sĩ họ Đoàn viết Tùng bách thuyết thoại
- một dị bản của Lưu Bình - Dương Lễ - thì một dị bản khác nữa của nó,
cốt truyện Trọng nghĩa khinh tài phải ra đời muộn hơn nhiều, vì rõ ràng nó
mang dáng dấp sinh hoạt cận đại. Truyện Cái vết đỏ trên má công nương
(số 188), Hai bảy mười ba (số 201) cũng có thể xuất hiện khá muộn, vì một
mặt kết cấu nghệ thuật quá mới, mặt khác chế độ phong kiến mà truyện
phản ánh tuy vẫn còn sức mạnh nhưng sự phản ứng đối với nó lại còn mạnh
hơn và quyết liệt hơn, mặc dù mâu thuẫn chỉ diễn ra trong nội bộ gia đình.
*
* *
Trong cuộc hành trình của các dân tộc vào vũ đài lịch sử, Việt-nam đã góp
mặt khá sớm bằng nhiều kỳ công dựng nước và giữ nước. Điều kiện thiên
nhiên vùng nhiệt đới làm cho mỗi bước phát triển của dân tộc có những
thuận lợi và khó khăn nhất định. Đó là một quá trình phấn đấu gian nan,
quyết liệt và trường kỳ nhằm chiến thắng mọi trở ngại thiên nhiên, đẩy lùi
mọi nguy cơ đồng hóa và "thực dân hóa", giành bằng được cơm áo và độc
lập tự do, xây dựng cho mình một nền văn hóa riêng biệt ở một góc Đông
nam châu Á. Điều đó là hiển nhiên, vì những gì còn để lại dấu vết từ lòng
đất, hoặc còn được chép trong thư tịch, đều đã chứng thực.
Tuy nhiên, một số người trước đây chỉ biết nhìn một cách cận thị vào
những hoạt động chính trị, văn hóa chính thống của nhà nước quân chủ,
nghĩ rằng văn hóa Việt-nam chẳng qua là bản sao lại của văn hóa Hán mà
thôi. Một số người khác tầm nhìn có rộng rãi hơn nhưng cũng không kém