phần hình thức khi cho rằng Việt-nam - một trong ba nước Đông-dương -
có vị trí nằm giữa ngã ba đường của các dân tộc, vốn là nơi đụng đầu của
hai nền văn minh lớn thế giới: Ấn-độ và Trung-quốc, nên đã là nơi trộn lẫn
bao nhiêu nhân chủng cũng như thu hút bao nhiêu nguồn văn hóa khác
nhau mà thành của mình. Đã vậy thì ở đó làm gì có một nền văn hóa độc
lập, cũng làm gì có một chủng tộc riêng biệt?
Những ý kiến nông nổi nói trên dần dần đã bị thực tiễn khoa học bác bỏ.
Và tới nay, không phải ít những công trình nghiên cứu của những khoa học
gia tên tuổi quốc tế, bao gồm nhiều chuyên nghành: sử học, văn học, chính
trị, quân sự, xã hội học... đã đưa ra nhiều "thiết chứng" xác nhận bản sắc
đặc thù của văn hóa Việt-nam, một nền văn hóa không phải mới xuất hiện
gần đây và mang từ đâu đến mà là một nền văn hóa bản địa, tồn tại từ lâu,
và được kế thừa, tiếp nối ngay trên mảnh đất này.
Dĩ nhiên không ai phủ nhận mảnh đất Việt-nam vốn nằm ở ngã ba đường,
điểm nút của nhiều mối giao tiếp phức hợp, do đó không tránh khỏi giữa
nhiều tộc người đã có sự chiếu ứng, bồi đắp lẫn nhau. Nhưng hẳn cũng
không ai bác bỏ là trong số những tộc người cư trú trên lãnh thổ Việt-nam
xưa kia, tộc người Lạc-việt đã sớm có trình độ phát triển cao và khả năng
tích hợp và dung hóa mạnh mẽ. Nhờ đó mà từ xa xưa, trên đất nước Văn-
lang lịch sử đã dần dần hình thành nền văn hóa tổng hợp của các cộng đồng
cư dân phương Nam với chiều hướng ngày càng hội tụ, nền văn hóa này
cũng có những đóng góp nhất định vào văn minh chung của loài người.
Trong giai đoạn phong kiến hóa, điều kiện lịch sử đã đặt văn hóa Việt nam
vào trong khu vực của nền văn hóa Hán. Ảnh hưởng nhiều mặt của văn hóa
Hán đối với văn hóa chúng ta cũng là bình thường.
Nhưng nếu thừa nhận một cách thực tế rằng bộ phận sống động nhất, nằm
chìm khuất trong bề sâu tâm hồn, cốt tính con người Việt-nam là văn hóa
dân gian, thì điều cũng khá lạ lùng là chính bộ phận này của văn hóa dân
tộc lại ít chịu những áp lực "ngoại nhập" cưỡng chế hơn cả; không những
thế, đấy còn là môi trường lý tưởng để "thanh lọc", "hóa giải" mọi sự pha
trộn sống sượng của các yếu tố văn hóa bên ngoài.
Vào các thời kỳ nền văn tự khối vuông còn được sử dụng như một công cụ