KHO TÀNG TRUYỆN CỔ TÍCH - Trang 2443

sự ngụ ý", là "cái chân thực có tính dân gian" (tr. 2463), chứ không "đóng
khuôn" vào chủ đề tư tưởng này hay chủ đề tư tưởng kia như trong văn học
viết.
Điều đáng kể là bất kỳ nhận xét nào dù chi tiết của Nguyễn Đổng Chi cũng
được đặt trong hệ thống, nên ít khi có tính cách tùy tiện. Nói đến vai trò
tích cực của nhân vật nữ trong cổ tích Việt-nam, ông khảo sát hàng loạt
mô-típ phụ nữ ở nhiều vị thế và cách ứng xử khác nhau, qua đấy dựng lên
một mô hình chung cho hai kiểu người phụ nữ tiêu biểu: người phụ nữ
công phá trật tự xã hội và người phụ nữ bảo toàn trật tự ấy. Nhưng trong
mỗi kiểu lại có thể phân biệt được ba cấp độ:
. Người nữ công phá: nữ thức tỉnh / nữ quái nữ kiệt
. Người nữ bảo toàn: nữ nhẫn nại / nữ trí / nữ liệt

Ông đặt họ trong các tương quan đối sánh cụ thể và kết quả là một hệ thống
nhân vật nữ với đủ sắc thái và cung bậc của tính cách nữ giới được thâu
tóm khá trọn vẹn. Hầu như không một dạng nhân vật nữ nào của cổ tích đi
ra ngoài mô hình này.

Cũng gần như thế, trong khi đi tìm mối liên quan giữa nhiều nhóm truyện
cổ tích với đặc điểm riêng của thiên nhiên đất nước tại những vùng miền
sản sinh ra chúng, Nguyễn Đổng Chi đã dần dần phát hiện ra một quy luật
chung cho "mối quan hệ kép" giữa cổ tích và cuộc đời: đời sống cung cấp
cho truyện cổ tích những cốt truyện sinh động, những câu nói vần vè,
những thành ngữ, tục ngữ ngầm chứa "mã" cốt truyện... rồi đến lượt truyện
cổ tích lại cung cấp trở lại cho đời sống những địa danh và nhân vật truyền
thuyết (núi Vọng-phu, sông Kim-ngưu, hồ Hoàn-kiếm, đầm Mực...), những
hình dung từ rất giàu sức biểu cảm (nói cuội, mưa ngâu, bù chì, đứa con
trời đánh...), những câu nói vần vè, thành ngữ, tục ngữ (Nợ như chúa
Chổm, Thạch Sùng còn thiếu mẻ kho...) đã được bổ sung và "giải mã"...

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.