thuần chỉ là người sưu tầm, tập hợp truyện cổ tích. Ông còn là người có
một nhãn quan mới trong phương pháp nhìn nhận truyện cổ tích. Đúng như
Nguyễn Đổng Chi đã nhận thấy: trên hành trình lịch sử, mỗi dân tộc đều có
một kho tàng truyện cổ tích của riêng mình, song mặt khác, cùng với những
yếu tố bản địa, sự tự sinh văn hóa trong lòng dân tộc, "vốn liếng tinh thần
quý giá ấy lại luôn luôn ánh xạ lẫn nhau trong mối quan hệ hội nhập và
giao lưu văn hóa" giữa dân tộc này và dân tộc kia. Ông nói trong lời Tổng
luận: "Theo chúng tôi, truyện cổ tích cũng như mọi sản phẩm văn hóa khác,
nhất là những sản phẩm không tên tác giả, nghĩa là những sản phẩm có xu
thế hoàn chỉnh giá trị nên quá trình lưu chuyển, sau khi xuất hiện tại một
vùng nào đấy sẽ dễ dàng được nhiều người hoàn chỉnh và trở thành tài sản
chung của cả xã hội (cái bất biến), và từ đó nó sẵn sàng vượt biên giới xứ
sở để gia nhập vào tài sản tinh thần của một dân tộc khác dù xa hay gần.
Cho nên có hiện tượng lặp đi lặp lại, hiện tượng dị bản trong truyện cổ
tích..." (tập V, tr. 2528)[4]. Điều đó có nghĩa là trong gia tài truyện cổ tích
của mỗi dân tộc có những cốt truyện riêng độc đáo, nhưng cũng sẽ có
những cốt truyện mạng tính chất phổ biến, những cốt truyện mà một số dân
tộc khác, thậm chí hầu hết các dân tộc trên thế giới đều có. Xuất phát từ
những ghi nhận đó, Nguyễn Đổng Chi đã thấy tính chất quốc tế là một hiện
tượng nổi bật và độc đáo của truyện cổ tích. Truyện cổ tích có khả năng di
chuyển từ dân tộc này sang dân tộc khác, từ địa phương này đến địa
phương khác, vượt qua mọi ranh giới về ngôn ngữ, về lãnh thổ của các
quốc gia...
Các nhà nghiên cứu truyện cổ tích thế giới từ lâu từng chú ý đến hiện tượng
này và đã từng công bố những con số thống kê đáng kinh ngạc. Nhưng ở
các nước phương Đông và nhất là ở Việt-nam thì vấn đề này hầu như chưa
được khảo sát. Và người đi tiên phong, người đầu tiên ở Việt-nam chính là
ông - Nguyễn Đổng Chi, người đã có công giới thiệu, tập hợp những cốt
truyện cổ tích của người Việt cùng với biết bao những cốt truyện cùng kiểu
có quy mô phổ biến trên toàn quốc gia và trên thế giới trong tuyển tập Kho
tàng truyện cổ tích Việt-nam.