Một mặt Nguyễn Đổng Chi sưu tập tài liệu truyện cổ tích từ ngọn nguồn,
với sự am hiểu kỹ càng và sâu rộng về lịch sử, văn hóa dân tộc Việt. Mặt
khác, ông đã vượt qua mọi sự trở ngại về ngôn ngữ, khoảng cách và thời
gian để thu nhập thêm rất nhiều cốt truyện của các dân tộc Việt-nam khác
và của phương Tây. Trong toàn bộ 5 tập Kho tàng truyện cổ tích Việt-nam,
Nguyễn Đổng Chi đã lần lượt giới thiệu với người đọc qua mỗi một cốt
truyện của người Việt là một tập hợp về các cốt truyện cổ tích, các hiện
tượng, nhân vật, các mô-típ tương đương rút ra từ truyện cổ tích của nhiều
dân tộc khác nhau. Đó là truyện cổ tích của hàng chục các dân tộc ít người
ở Việt-nam như: Ba-na (Bahnar), Cơ-ho, Hơ-rê, Khơ-me (Khmer), Chàm,
Ê-đê, Ja-rai (Djarai), Mường, Thái, Tày, Nùng, H’mông, Khơ-mú, v.v... Và
đó cũng là truyện cổ tích của rất nhiều dân tộc thuộc cả 5 châu lục: Á, Âu,
Phi, Úc, Mỹ, v.v... với sự hiện diện của tên gọi nhiều nước như: Nga, Anh,
Pháp, Tiệp, Bun-ga-ri, Ba-lan, Đức, Hà-lan, Thụy-sĩ, Thụy-điển, Đan-
mạch, Islan, Ý, Tây-ban-nha, An-ba-ni, Ru-ma-ni, Lat-vi, Et-tô-ni, Phần-
lan, Ấn-độ, Trung-quốc, Mông-cổ, Triều-tiên, Nhật-bản, Lào, Căm-pu-chia,
Miến-điện, Thái-lan, v.v...
Bản kể có khảo dị - việc làm đó khẳng định quan niệm đúng đắn của
Nguyễn Đổng Chi về đặc trưng cũng như quy luật vận hành của loại hình
cổ tích, và cũng là thành quả cao nhất mà giới nghiên cứu vẫn luôn mong
đạt tới. Việc làm đó cũng đã phủ nhận lối sưu tầm, ghi chép kể truyện cổ
tích đơn giản, xuất hiện trong điều kiện khoa văn bản học cổ tích chưa mấy
phát triển trước đây. Do vây, Kho tàng truyện cổ tích Việt-nam cũng mở ra
một triển vọng cho khoa so sánh văn học dân gian, đem đến cho người đọc
cái nhu cầu hiểu biết sâu rộng về các cốt truyện cổ tích gần nhau, đồng thời
cũng giúp người nghiên cứu một sự tận thu các nguồn tư liệu hữu ích.
III- NHỮNG NHẬN ĐỊNH TỔNG QUÁT - DỰ CẢM ĐÚNG HƯỚNG
VỀ MỘT CÁCH NHÌN ĐỔI MỚI, TOÀN DIỆN ĐỐI VỚI TRUYỆN CỔ