4- Truyện cổ tích Việt-nam có một mảng đáng kể nêu bật vai trò tích cực
của người nữ; đề cập đến ước mơ tình yêu và hôn nhân tự do.
Khi nêu lên các đặc điểm trên của truyện cổ tích Việt-nam, Nguyễn Đổng
Chi đã hướng sự quan tâm của mình tới cả nội dung lẫn nghệ thuật: nội
dung phản ánh hiện thực, phương thức ngụ ý của cổ tích cũng như mối
quan hệ giữa truyện cổ tích với cách nhìn của sự kết hợp giao hòa giữa
nhiều quan điểm, cũng tức là ông đã nhìn nhận truyện cổ tích ở các góc
nhìn phong phú khác nhau. Các phương pháp như loại hình học, thống kê,
so sánh lịch sử, nghiên cứu theo típ và mô-típ, phương pháp vẽ sơ đồ, cấu
trúc, mô hình hóa truyện cổ tích, các cách tiếp cận truyện cổ tích theo chiều
phát triển lịch sử, theo không gian và thời gian, giữa đồng đại và lịch đại...
đều được Nguyễn Đổng Chi ứng dụng khá nhiều trong thao tác nghiên cứu
nhằm rút ra những đặc điểm của truyện cổ tích Việt-nam: Khi đúc kết mỗi
một đặc điểm, Nguyễn Đổng Chi bao giờ cũng minh họa bằng những dẫn
dụ kết hợp với sự phân tích lô-gích, nên mang tính thuyết phục. Được như
vậy vì ông đủ khả năng và điều kiện chiếm lĩnh đối tượng về mặt thông tin,
tư liệu, mà theo ông thì "sự giới hạn về tư liệu dẫn đến những sai lầm về
phương pháp luận". Có thể nói, ở Nguyễn Đổng Chi vừa thể hiện một sự
tìm tòi đến say mê trong những trải nghiệm khoa học của mình, mặt khác
cũng vừa có cả một sự chừng mực, nghiêm túc, giúp cho ông không rơi vào
cực đoan trong các luận điểm.
Nhằm hướng tới phương pháp tiếp cận truyện cổ tích một cách toàn diện,
Nguyễn Đổng Chi còn tìm hiểu, giới thiệu tất cả những trường phái nghiên
cứu truyện cổ dân gian hiện đại thế giới. Có rất nhiều trường phái, mỗi một
trường phái có sự đóng góp nhất định và thường có khi lại mâu thuẫn với
nhau, song điều rất quan trọng là chúng đã tập hợp lại thành một bức tranh
tổng quát về việc nghiên cứu truyện cổ dân gian trên thế giới. Với xu
hướng tiếp thu các trường phái này bằng tinh thần tỉnh táo và đầu óc chủ
động, sáng tạo. Nguyễn Đổng Chi đã tóm bắt đúng diện mạo của các
trường phái ấy: từ trường phái Thần thoại ngữ văn Ấn - Âu của anh em
Grimm người Đức, cho đến trường phái Lịch sử - Địa lý Phần-lan của hai