* *
Lịch sử ngành nghiên cứu truyện kể dân gian thế giới đã có bề dày ngót
200 năm kể từ việc anh em Grimm xuất bản tập sưu tầm đầu tiên vào năm
1822. Với tư cách là một ngành khoa học độc lập, tính đến nay đội ngũ các
nhà sưu tầm và nghiên cứu truyện cổ dân gian thế giới đã đạt được nhiều
thành tựu đáng kể. Còn ở Việt-nam thì có lẽ phải đến những năm 60 đầu
những năm 70 của thế kỷ này với sự xuất hiện của các công trình chuyên
khảo như Sơ bộ tìm hiểu những vấn đề của truyện cổ tích qua truyện Tấm
Cám[9] của Đinh Gia Khánh; Người anh hùng Làng Dóng[10], Tìm hiểu
tiến trình văn học dân gian Việt-nam[11] của Cao Huy Đỉnh và Lược khảo
về thần thoại Việt-nam, Kho tàng truyện cổ tích Việt-nam của Nguyễn
Đổng Chi mới có thể nói là truyện kể dân gian Việt-nam được nhìn nhận
như một thể loại riêng biệt. Nguyễn Đổng Chi là một trong những người đi
tiên phong nên không tránh khỏi những khó khăn, hạn chế, nhưng là một
nhà khoa học đầy nhiệt tâm, ông đã lần lượt soi rọi được một cách trọn vẹn,
thấu tình đạt lý các vấn đề đặc trưng và bản chất của thể loại qua việc
nghiên cứu truyện cổ tích Việt-nam.
Trải qua thời gian, những nhận định tổng quát, những ý kiến của Nguyễn
Đổng Chi về truyện cổ tích trong bộ Kho tàng truyện cổ tích Việt-nam đã
được nhiều người đánh giá là những kết luận có ý nghĩa học thuật cao. Đó
thực sự là những đóng góp quan trọng, những gợi mở giúp cho giới nghiên
cứu folklore Việt-nam đi dần tới việc nắm bắt đúng đắn truyện cổ tích - đối
tượng nghiên cứu rộng lớn, phong phú và cũng là phức tạp nhất trong các
thể loại văn học dân gian Việt-nam.
Trên nửa thế kỷ đến với truyện cổ tích, Nguyễn Đổng Chi đã nêu tấm
gương của một người lao động cần cù và tài năng, có bản sắc và tự tin vào
công việc bình dị mà cao đẹp của mình. Ông đã vừa là người nghệ sĩ sáng
tạo trong việc nhuận sắc kho tàng truyện cổ tích Việt-nam đồ sộ, đồng thời
vừa là nhà học giả có tâm huyết bởi công lao khơi sâu, mở rộng cho những