phồng rộp chân tay... xin cử bôi thử một tý vào da là khắc thấy hiệu
nghiệm..." tôi lại bất chợt mỉm cười, lòng không khỏi thức dậy một cảm
giác vui vui khi thốt nhớ lại hành vi có thể nói là "táo tợn" của một đứa trẻ
nhà quê 16 tuổi thuở xa xưa ấy, là người anh hiếu động của mình.
Cũng vào thời gian làm thuốc Gịt Bình Ân, anh tôi còn phát hiện ra ở các
phiên chợ Vinh có bán một thứ đồ tre khá đẹp. Đấy là đồ dùng chế tạo từ
những ống tre non được luộc chín rồi ép phẳng như những tấm gỗ mỏng, có
độ dày khoảng 4-5mm. Người ta dùng loại dao, cưa, đục rất nhỏ để cắt,
đục, lắp ghép thành những cái khay để chén trà, khay đựng trầu, hộp đựng
trầu, hộp đựng thuốc hình tròn hay lục giác, bát giác cho các bà lớn hồi đó
dùng để đựng trầu, thuốc, hoặc để thuốc lào, thuốc lá sợi, v.v... Đặc biệt vỏ
ngoài của thanh tre được luộc chín ngả màu ngà trên đó các nghệ nhân
dùng lưỡi dao sắc nhỏ chạm lên những hình bông hoa, hình thú vật, hay
hình người trông rất đẹp, hoặc tạo lên những câu chữ nho có ý vị...
Qua một vài phiên đi xem xét, anh tôi bèn mời một vài người bán đồ tre ấy
về nhà mình để nói chuyện và trao đổi cách liên doanh liên kết với họ. Cuối
cùng hai bên thỏa thuận với nhau là: phía anh tôi sẽ quảng cáo khắp ba kỳ
món đồ tre đặc biệt của xứ Nghệ này để người ta biết mà tìm mua; anh tôi
gợi ý với họ làm thêm một vài thứ đồ nhỏ như hộp thuốc lào bỏ túi, píp hút
thuốc lá sợ để gửi đi biếu quảng cáo ở các tiệm buôn lớn và ngoài ra, về
mặt chạm trổ trên mặt tre phải là hình các danh nhân đất nước: ví dụ Trần
Hưng Đạo đánh trận Bạch-đằng, Lý Thường Kiệt cưỡi ngựa đánh Tống,
Hai bà Trưng cưỡi voi đánh giặc, v.v... Bên mỗi bức chạm cũng có biết
dòng chữ hán ghi tên tuổi và hành động vị anh hùng được khắc họa. Làm
vậy để đổi mới đề tài cũ kỹ của họ. Còn việc đặt hàng sẽ được thông báo
mỗi khi có giấy đặt hàng ở các nơi gửi về... Thế là cuộc kinh doanh đồ tre
cũng được tiến hành đồng thời với thuốc Gịt Bình Ân và trụ sở đều ở số
nhà 11 đường Pôn Be (Paul Bert), Vinh.