làng xã khác vừa để tìm hiểu phong cảnh, phát hiện các di tích lịch sử, tìm
tòi các hòn đá, mảnh sành, mảnh bát, vừa để tìm hiểu sâu về đời sống nông
dân. Chính những cuộc "đi điền dã" đó với cách sống giản dị, rất bình dân
của ông, đã từng bước tạo nên cái vốn và thúc đẩy ông đi vào nghiên cứu
văn hóa dân gian mà rồi đây sẽ là nguồn yêu thích lâu bền nhất, là nơi ông
có thể kết hợp hài hòa giữa tình yêu cách mạng và tình yêu văn hóa, tình
yêu khoa học sâu đậm. Cùng với các nhà phôn-clo (folklore) có tên tuổi
khác, ông đã đưa bộ môn này trở thành một khoa học xứng đáng với tên gọi
của nó.
Hơn hai mươi năm trước, trong một hội nghị khoa học của Viện Sử học,
Nguyễn Đổng Chi đã đọc một bản báo cáo nổi tiếng: Vấn đề viết xã chí
trên toàn miền Bắc (1961) một yêu cầu cấp bách của công tác nghiên cứu
lịch sử, văn hóa địa phương. Bản tham luận được nhiều nơi và nhiều ngành
văn hóa theo dõi, được nhân bản để tham khảo ở nhiều Ty, Sở văn hóa, và
đó cũng là gợi ý để sau này các bộ địa chí có tầm cỡ tỉnh, huyện hoặc xã
lần lượt ra đời. Say mê văn hoá dân gian từ những ngày còn rất trẻ trong đó
có tình cảm gắn bó với đời sống nông dân, với tâm hồn dân tộc, Nguyễn
Đổng Chi đã viết lại Hát giặm Nghệ - Tĩnh (3 tập, trong đó có một tập là
chuyên luận, và hai tập là sưu tầm) , chủ biên Vè Nghệ - Tĩnh (2 tập) , Viết
Ca dao Nghệ - Tĩnh , Văn học dân gian sưu tầm ở Ích-hậu (4 tập, 1962 -
1969, chưa in). Đặc biệt 2 công trình nghiên cứu được nhiều người biết
tiếng cũng khẳng định uy tín nổi bật của ông trong nghiên cứu văn hoá dân
gian, là Lược khảo về thần thoại Việt-nam và bộ sách 5 tập Kho tàng
truyện cổ tích Việt-nam đã nói ở trên . Hệ thống thần thoại Việt-nam do
những điều kiện nhất định, đã bị mai một nhiều. Làm cách nào để dựng lại
cho hợp lý, không khiên cưỡng, bịa tạc? Nguyễn Đổng Chi đã tham khảo
các trường phái thần thoại học châu Âu cũng như châu Á, nhưng ông không
bắt chước họ một cách máy móc. Ông không vội dựng ra các đồ biểu, các
cấu trúc rắc rối. Tuy vậy, đọc ông sẽ thấy ông đã khéo dẫn dắt để thần thoại
Việt-nam được nhìn nhận như một hệ thống, tuy đã vỡ đi và chỉ là những
mảnh còn sót lại nhưng vẫn mang bóng dáng của một hệ thống có bản sắc,