trong quan hệ giao thoa phức hợp với các hệ thống thần thoại láng giềng,
với thần thoại các dân tộc anh em. Sau khi sách của Nguyễn Đồng Chi in
ra, một số cuốn đã lọt vào miền Nam và có một học giả Sài-gòn lấy gần
như nguyên xi các luận điểm cũng như cả hệ thống truyện đã thành một kết
cấu trọn vẹn của tác giả, để cho vào một cuốn sách của mình. Kết quả họ bị
dư luận tố cáo, thậm chí bị đưa ra tòa án văn chương .
Bộ Kho tàng truyện cổ tích Việt-nam cũng được xây dựng trên một nguyên
tắc gần giống với cuốn Lược khảo về thần thoại Việt-nam. Nguyễn Đổng
Chi rất tâm đắc với anh em Grim (Grimm) người Đức trong khi xây dựng
hệ thống truyện cổ. Ông không hề sa vào quan điểm máy móc, đôi khi hiện
đại hóa một cách lộ liễu, như vẫn thường thấy trong một số bộ cổ tích xuất
bản những năm sáu mươi trở về trước. Và 200 truyện cổ mà ông tìm tòi,
xây dựng, sàng đi lọc lại , với một phong cách ngôn ngữ riêng, giản dị,
truyền cảm, với sự khảo dị so sánh rất dày công kho tàng truyện cổ đồ sộ
trên thế giới, có thể nói đúng là kho tàng mang rõ nét tâm hồn Việt-nam,
kết tinh những gì tiêu biểu của tư duy nghệ thuật tự sự dân gian Việt-nam,
qua phong cách kể chuyện truyền cảm, sinh động, dí dỏm, mà nhiều nhà
nghiên cứu phôn-clo như Lê Văn Hảo, Vũ Ngọc Khánh, Tạ Phong Châu
đều thống nhất đánh giá rất cao. Trong một bài giới thiệu hai tập I và II của
bộ sách, trên tập san B.E.F.E.O. số 1 - 1964. Tiến sĩ dân tộc học Lê Văn
Hảo đã viết: "Mặc dù chỉ mới công bố được một phần, phần thứ hai này
của bộ sách đã có nhiều phẩm chất đáng lưu ý: trước hết là văn phong của
tác giả trong khi kể chuyện, giản dị, linh hoạt, sôi nổi, lúc hóm hỉnh, lúc
hiện thực, rất thích hợp với loại hình truyện kể. Về phương diện này phải
thừa nhận sự ưu việt của Nguyễn Đổng Chi so với những tập truyện cổ của
các tác giả đương đại khác. Ông có cái tư chất của một nhà văn biết ghi lại
trung thành niềm hứng khởi, nét ngây thơ và sự cảm động của người kể
chuyện và nhà thơ dân gian. Một số truyện, dưới ngòi bút của ông, đã trở
thành những kiệt tác ngắn gọn và tinh khiết, ở đó sự hiện diện của chất thơ
và chất hiện thực được hòa tan vào nhau trong một thể thống nhất (chẳng
hạn: truyền thuyết về đá Bà-rầu, I, tr.205 - 207; truyền thuyết về chim hít