Nguyễn đổng Chi
Kho Tàng Truyện Cổ Tích
Phần thứ nhất - I. BẢN CHẤT TRUYỆN CỔ TÍCH
NGHIÊN CỨU TRUYỆN CỔ TÍCH NÓI CHUNG VÀ TRUYỆN CỔ
TÍCH VIỆT-NAM
1. PHÂN LOẠI TRUYỆN CỔ, MỘT VẤN ĐỀ ĐẶT RA TỪ LÂU,
NHƯNG VẪN CÒN RẤT MỚI MẺ.
Khi nói đến mấy tiếng "truyện cổ tích" hay "truyện đời xưa", chúng ta đều
sẵn có quan niệm rằng, đấy là một danh từ chung bao gồm hết thảy các loại
truyện do quần chúng vô danh sáng tác và lưu truyền qua các thời đại.
Trong đó, có truyện đượm tính chất hoang đường, có truyện gần với sự
thật, có truyện ngụ một ý nghĩa sâu xa, có truyện không quan tâm đến đạo
đức triết lý, có truyện mang tính nghệ thuật cao, có truyện hãy còn mộc
mạc chưa được gia công tô điểm, có truyện nghiêm trang, có truyện buồn
cười, có truyện dài, có truyện rất ngắn, có truyện từ ngàn xưa để lại, có
truyện mới đặt gần đây, v.v...
Khái niệm "truyện cổ tích" như vậy thật rộng và phức tạp. Chẳng khác gì
nhìn vào một khu rừng trong đấy có nhiều loại cây: cây to, cây nhỏ, gỗ tốt,
gỗ xấu, mọc chằng chịt lẫn lộn. Cũng vì thế, xác định đặc trưng từng loại
truyện cổ khác nhau để đi đến phân loại truyện cổ, vẫn là một công việc
hứng thú và luôn luôn có ý nghĩa đối với nhiều nhà nghiên cứu và sưu tầm
văn học dân gian từ trước tới nay. Tuy nhiên, cho đến lúc này, công việc đó
vẫn chưa hoàn thành, và chưa có một kiến giải nào khả dĩ gọi là thỏa đáng.