nhất là đối với truyện cổ Việt-nam! Vì khác với các dân tộc phương Tây,
người Việt-nam trước đây sáng tác truyện cổ dường như không có ý định
dành một loại nào riêng cho trẻ em cả.
Có lẽ do chỗ khó khăn trong việc phân loại nên đã có người dựa vào tính
chất ảo tưởng khá phổ biến trong các truyện cổ mà chia đại khái làm hai
loại lớn: một loại trong đó ảo tưởng chiếm ưu thế, như các truyện động vật,
truyện ma quái, truyện thần tiên, v.v... và một loại truyện tương đối ít nhân
tố ảo tưởng hơn như các truyện về sinh hoạt, truyện cười, truyện triết lý,
v.v...
Trong sách Văn nghệ bình dân Việt-nam[3], Trương Tửu cũng theo lối này.
Ông chia toàn bộ truyện truyền miệng thành hai loại: thần kỳ và thế sự.
Mỗi loại lại được chia thành nhiều hạng. Ví dụ, loại thần kỳ có bốn hạng:
truyện thần tiên, truyện anh hùng, truyện ma quỷ và truyện nói về con
người. Loại thế sự thì có các hạng: truyện tiếu lâm, truyện khôi hài, truyện
ngụ ngôn, truyện nói về nhân tình thế thái, v.v...
Cách sắp xếp này có sự khái quát cao hơn hẳn những người đi trước, song
khi đi vào các hạng mục nhỏ cũng vẫn còn dấu vết hình thức. Một truyện
triết lý, ngụ ngôn hay khôi hài không nhất định phải ít nhân tố ảo tưởng hơn
một truyện anh hùng, truyện động vật. Ngược lại cũng không phải cứ
truyện động vật, truyện anh hùng nào cũng đều phải có sự can thiệp của