Mỗi công trình nghiên cứu là một chuỗi các thí nghiệm tiến hành từng
bước trong nhiều năm.
Thời gian ít nhất cho một công trình đơn giản là hai năm. Chỉ tới cuối
thời gian đó, người nghiên cứu thường mới hiểu biết tạm đủ đối tượng
nghiên cứu để bắt đầu một đề tài mới có ích cho anh ta.
Cách nhảy từ đề tài này sang đề tài khác theo thời trang, với hi vọng đi
tới một thay đổi may mắn đem lại vinh quang, không thấy xảy ra trong lịch
sử khoa học. Phương Tây đã có câu: Hòn cuội chỉ lăn không bao giờ có rêu
bám.
Thái độ như vậy có thể có ích về mặt cho phép một người trở nên bách
khoa về khoa học, mà không trở thành nhà khoa học với ý nghĩa hẹp của
nó, là vì không có phát minh nào đóng góp cho khoa học cả.
Người ta thường nêu gương nhà vi trùng học Paxtơ cả đời nhảy từ lĩnh
vực hoá học sang sinh học, luôn nhận đề tài theo yêu cầu của sản xuất và đã
thành công.
Ta không nên quên Paxtơ là một thiên tài, mà một thiên tài có thể làm
nhiều việc trong khi một người bình thường phải dành cả cuộc đời cho một
việc.
Điều quan trọng là Paxtơ không bỏ dở dang bất cứ đề tài nào. Ông có thể
suy nghĩ liên tục về hai ba vấn đề khoa học cùng một lúc.
Hiện nay, có nhiều hiện tượng thiếu liên tục trong ý nghĩ, trong công
việc.
Đang học dở bài, bỏ đi giải trí. Xem quyển chuyện này chưa hết, đã đọc
sang quyển kia. Trong buổi họp, thảo luận về vấn đề này chưa ngã ngũ, đã
chuyển sang vẫn đề khác.
Làm việc này chưa xong, đã bắt tay vào việc khác, tức việc nọ xọ việc
kia.
Hậu quả là ý nghĩ, công việc, có đầu nhưng không có đuôi, không dẫn tới
kết quả cụ thể nào cả.
Muốn rèn luyện tính liên tục phải đặt cho mình một quy tắc là làm xong
tất cả việc gì đã bắt đầu.