Người ta cũng kể, thông thường ban đêm, khi tỉnh giấc, có ý nghĩ gì hay,
Bác Hồ đều dậy, bật đèn, ghi vào sổ. Có người hỏi. Bác nói: Ý nghĩ hay
thường đến lúc yên tĩnh, phải ghi ngay. Nếu để đến mai, có khi quên mất.
Từ Đông sang Tây, người xưa đã có câu rất hay: Việc làm được hôm nay
chớ để ngày mai. Ca dao ta cũng có câu chế giễu người thiếu tính khẩn
trương: Ban ngày thì mải đi chơi, tối lặn mặt trời bỏ thóc vào rang.
Phong cách khoa học không bẩm sinh mà do rèn luyện bền bỉ mới có.
Việc rèn luyện này phải bắt đầu ngay từ lúc nhỏ. Ở cấp một, các em phải
được tập luyện thói quen trật tự trong khi học cũng như chơi.
Sang cấp hai, trong học tập và sinh hoạt, đã phải bồi dưỡng tính kế hoạch
và tính liên tục. Tới cấp ba, phải rèn luyện thêm tính khẩn trương và khả
năng tập trung chú ý.
Không nên để lúc người thanh niên bắt đầu vào đời hay tiếp tục học ở đại
học, mới đề cập tới việc rèn luyện này. Lúc đó, công sức sẽ phải bỏ ra nhiều
hơn. Cái yếu tố kìm hãm đáng kể sự tiến hoá của con người chính là “thói
quen”. Tập một thói quen mới dễ dàng hơn sửa một thói quen xấu.
Lặp lại một hành động sẽ gây thói quen. Thói quen này lúc đầu chỉ mỏng
manh như sợi tơ nhện nhưng sau cùng sẽ bền chắc như dây cáp sắt.