Khi mới vào nghề, Tú là một “nhà báo” trong tâm thức. Tức là Tú sẵn
sàng không ngại gian khổ để có một bài viết hay, đăng lên báo giấy
nhận vài trăm ngàn nhuận bút, chẳng đủ tiền cho mấy ly café sang
chảnh ở Sài Gòn. Cho đến khi gặp Phan, cần tiền, Tú chấp nhận trở
thành một “lều báo” tàn nhẫn với chính ngòi bút của mình. Nhưng giờ,
Phan cần một “lều báo” có khả năng như Tú cũng là điều khó khăn.
Mấy ngày gần đây, chỉ số lượt xem của “Thiên đường” đang có dấu hiệu
đứng yên và đi xuống rõ rệt.
Gã tổng giám đốc cầm điều khiển tivi tắt màn hình với những cột chỉ số
xanh đỏ, quay ghế lại ngồi đối diện Phan.
- Cậu Phan thấy rồi đó, đâu phải khi không mà đám cổ đông nháo nhào
lên, sau cái vụ của con H. đến giờ “Thiên đường” chẳng còn gì hấp dẫn.
- Anh cũng biết là phải dựa vào dư luận xã hội mới có thể tạo được bài
viết thu hút người khác chứ.
- Còn kiểu bài bà già, con nít lừa gạt đâu, sao không đem ra dùng lại?
- Những thứ đó không còn mới nữa, giờ có nói thêm cũng thành nhàm,
không ai quan tâm đâu.
Phan nhớ lại khi tổng kết lượt view của “Thiên đường” sau bài báo về
đứa bé gái giả vờ đi lạc để dàn cảnh cướp. Rõ ràng so với bài về bà già
nằm giữa đường, lượt xem thấp hơn hẳn. May sao, nhờ vào vụ đụng xe
của người mẫu H. Phan lập tức lật ngược vấn đề, đẻ thêm ra một
chuyên mục tranh luận sôi nổi, “Nếu có người giúp đứa bé đi lạc, đã
không có tai nạn xảy ra.” Dĩ nhiên bài viết này được đăng lên sau khi
Khanh và Jade về Mỹ, không còn ai tìm ra được tung tích của đứa bé bị
tai nạn lúc đó. Lượt xem của “Thiên đường” tăng cao trong giai đoạn
này, bù lại cho phần thiếu hụt so với lần trước. Nhưng rõ ràng là chủ đề
“vô cảm” đã không còn đủ độ nóng để khai thác, nếu viết tiếp chắc
chắn sẽ là tự mình giết chết mình.