ở đây cái buổi tôi về Ndotsheni này, để được thấy dân chúng vẫn yêu quý
tôi mặc dầu tôi già cả? Để được nghe em gái đó nói như vầy: “ Umfundisi
về, chúng con thích quá; còn Umfundisi kia, chúng con không hiểu được ”.
Ngài đưa tôi đi giáo khu khác, đúng vào cái lúc ở đây bắt đầu có nhiều việc
mới mẻ xảy ra: có sữa cho trẻ em này, có một cán sự trẻ tuổi lại này, có
những cây gậy cắm xuống đất để xây đập này. Nước mắt rưng rưng,
Kumalo nhắm mắt lại, lệ ứa ra rớt xuống chiếc áo đen mới sắm để làm lễ
Kiến Tín này, nhờ số tiền của người bạn rất thân: Msimangu. Đầu bạc của
ông gục xuống và ngồi im như một em bé không thốt một lời.
Đức Giám mục ôn tồn gọi:
- Ông Kumalo - rồi lập lại lớn tiếng hơn – Ông Kumalo.
- Thưa ông. Bẩm ngài.
- Làm ông đau khổ tôi rầu lắm. Tôi rầu lắm đã làm ông đau khổ. Nhưng
ông nghĩ coi, đi nơi khác có phải hơn không?
- Bẩm, xin tùy ý ngài.
Đức Giám mục cúi xuống phía trước, khuỷu tay chống lên đầu gối.
- Ông Kumalo có phải cha nạn nhân là ông Jarvis, người láng giềng của
ông tại Ndortsheni này không?
- Bẩm, phải.
- Chính vì lẽ đó mà tôi nghĩ ông nên đi nơi khác.
À, thì ra vì lẽ đó. Nhưng chính ông Jarvis đã chẳng cưỡi ngựa lại đây thăm
tôi đấy ư? Và cậu bé chẳng phải vào nhà tôi chơi đấy ư? Chẳng đi đón thầy
cán sự trẻ tuổi đó lại dạy dân chúng làm ruộng đấy ư? Và lòng tôi chẳng
đau xót cho ông ấy vì bà vợ mất đấy ư? Nhưng làm sao nói những điều ấy
với đức Giám mục, một nhân vật rất quan trọng trong miền được? Những
điều đó không thể nói ra được.
- Ông hiểu lòng tôi chứ, ông Kumalo?
- Bẩm, tôi hiểu ngài.
- Tôi sẽ đưa ông lại Pietermaritzburg, gần người bạn già Ntombela của ông.
Ở đấy ông có thể giúp ông ấy được mà cũng đỡ một gánh nặng cho ông.
Ông ấy sẽ lo công việc xây cất, trường học và tiền nong, còn ông thì
chuyên về tôn giáo. Đó là tôi tính như vậy.