máu, đặc biệt là máu của mình, nhưng thật nhẹ nhõm làm sao khi tôi
chẳng đau đớn gì và cũng không cảm thấy nôn nao. Một giọt máu
nhỏ xíu tuôn ra từ vết chích, nên tôi dùng viền váy lau đi trước khi
kịp nhớ ra là đáng lẽ mình phải thấy buồn nôn mới đúng.
Có lẽ đó là lý do vì sao tôi có ảo giác về chuyện mình bị bê bết
máu? Chẳng có mấy thứ khiến tôi phát hoảng đâu, ngoài chuyện
đó.
Cửa phòng lại mở ra làm tôi giật thót, đánh rơi đống dây truyền
với vẻ mặt đỏ bừng tội lỗi khi một y tá khác bước vào. Người này trẻ
hơn mụ vừa nãy nhiều, có lẽ mới ngoài đôi mươi, với mái tóc vàng
cột đuôi gà bóng mượt và kiểu gương mặt tươi tắn không trang điểm
mà tôi ước gì mình cũng có. Tôi mà để mặt mộc thì trông như con
chết trôi, và dù tóc tôi cũng màu vàng, nhưng thực ra là do tôi tự
nhuộm lấy, cũng có nghĩa nó là một đống bùi nhùi xoăn tít, xơ xác.
Mắt cô y tá liếc sang bộ truyền dịch bị bỏ rơi, song có vẻ như cô
ta chẳng bực bội gì khi thấy tôi đã tháo nó ra. “Tôi muốn đảm bảo
là cô đã tỉnh táo và tươm tất”, cô ta nở nụ cười thân thiện hơn tôi
trông đợi. “Có hai cảnh sát đang muốn nói chuyện với cô.”
Một cơn rùng mình khiếp sợ bắn xuyên qua tôi. “V... vì sao?”,
tôi hỏi, mặc dù khá chắc chắn là mình biết lý do. Họ ở đây để
tống tôi vào khám. Tay sĩ quan quản thúc tôi phát hiện ra tôi lại
dùng thuốc và khoảng thời gian tạm tha của tôi đã chấm dứt. Hoặc
là họ muốn tôi chỉ nơi tôi đã mua thuốc.
Hẳn tôi đã trắng bệch cả ra vì cô y tá đóng cửa lại và mỉm cười
trấn an tôi. “Họ chỉ muốn nói chuyện với cô thôi.
Cô sẽ không sao đâu. Ngồi xuống đây”, cô ta nói, nhẹ nhàng
nhưng kiên quyết đẩy tôi xuống giường. Cô ta không bắt tôi phải
nằm mà chỉ kéo chăn vòng quanh giường sao cho che hết phần