Ba mươi năm sau, vở kịch nhỏ ấy lại tái diễn y hệt. Lần này thì tôi có mặt
ở đó, chính mắt tôi đã được nhìn thấy.
Sau khi con trai tôi ra đời, tôi đã nghĩ: chắc chắn chuyện này sẽ làm cha
hài lòng. Chẳng phải người đàn ông nào cũng muốn trở thành ông nội sao?
Tôi đã mong cha vỗ về thằng bé, để cha cho tôi chút minh chứng rằng
cha, cuối cùng, có thể cho người ta thấy chút xúc cảm – rằng cha thực sự, rốt
cuộc thì, có chung những xúc cảm như những kẻ khác. Và nếu cha có thể
bày tỏ chút trìu mến với đứa cháu trai, thì chẳng phải đó cũng là cách gián
tiếp để bày tỏ lòng trìu mến cho chính tôi sao? Bạn không bao giờ ngừng
khao khát tình yêu từ cha mình, thậm chí cả khi bạn đã trưởng thành.
Nhưng rồi, con người ấy không hề thay đổi. Tổng cộng cha chỉ thăm cháu
nội cỡ ba bốn lần, và không lần nào cha có thể nhận ra được thằng bé giữa
cái đám khổng lồ trẻ nít không biết của ai với ai được sinh ra trên thế giới
mỗi ngày. Daniel được hai tuần tuổi khi cha liếc mắt nhìn thằng bé lần đầu.
Tôi vẫn còn nhớ ngày hôm ấy một cách sắc nét: Đó là một ngày Chủ nhật oi
nồng vào cuối tháng Sáu, khí trời như lò hun, vùng nông thôn phủ khói xám
vì hơi ẩm. Cha tôi dừng xe, nhìn vợ tôi đặt con vào nôi để nó ngủ, và bước
tới chào. Ông cúi đầu xuống cái nôi chừng mười giây, đứng thẳng dậy và
nói, “Một đứa bé xinh đấy. Chúc may mắn nhé,” rồi tiếp tục đi vào nhà. Cha
cũng có thể nói như thế về con cái của một kẻ lạ mặt nào đó ông tình cờ gặp
khi xếp hàng ở siêu thị. Trong suốt quãng ghé thăm ngày hôm ấy, cha không
hề nhìn Daniel, không một lần nào thèm đề nghị bế thằng bé.
* * *
Tất cả chuyện đó, chỉ mới là một ví dụ.
Tôi nhận ra không thể nào bước vào thế giới cô độc của kẻ khác. Nếu
chuyện chúng ta có lúc biết được về sự tồn tại của một bản thể khác, dù chỉ
ở một mức độ ít ỏi, thì cũng chỉ có thể là vì anh ta sẵn sàng để kẻ khác biết
về mình. Một người sẽ nói: Tôi lạnh. Còn không anh ta chẳng nói gì cả, và
chúng ta thấy anh ta run rẩy. Nhưng với kẻ không nói gì mà cũng không run