những đợt điều trị tại bệnh viện), cha chẳng thèm thay đổi lối sinh hoạt
thường ngày để chăm chút cho em – vẫn vắng nhà suốt, để mặc em vạ vật
quanh ngôi nhà khổng lồ như một bóng ma.
Cha là một người lơ đễnh và cứng đầu. Nhưng mà ẩn sau những điều ấy,
tôi biết cha đau khổ. Đôi khi, trên điện thoại, khi ông và tôi bàn về chuyện
em gái, tôi có thể nghe tiếng cha đứt đoạn dù chỉ thoảng qua, như thể cha
đang cố gắng chặn một tiếng nức nở. Không giống bất kỳ điều gì mà cha
từng đối mặt, căn bệnh của em gái tôi cuối cùng đã làm cha đau đớn– dù chỉ
gây ra cho ông cảm giác vô cùng tuyệt vọng. Không có nỗi đau khổ nào lớn
hơn cảm giác tuyệt vọng ấy. Bạn phải chấp nhận chuyện ấy, thậm chí ngay
cả khi không thể. Và rồi bạn càng chấp nhận, thì bạn càng vô vọng.
Sự vô vọng của cha thật khủng khiếp.
* * *
Hôm nay khi lang thang quanh ngôi nhà, không mục đích, không nặng
lòng, cảm thấy mình đang bị tuột ra khỏi những gì mình viết, tôi tình cờ nhặt
được đoạn viết từ lá thư của Van Gogh: “Như tất cả những người khác, tôi
cảm thấy cần có gia đình và bạn bè, sự quan tâm và giao cảm thân thiện. Tôi
không được làm ra từ đá hay kim loại như cái vòi nước máy hay một cột
đèn.”
Có thể đó chính là điều quan trọng: chạm đến được cốt lõi của xúc cảm
loài người, bất chấp mọi thứ bằng chứng phản bác.
* * *
Những chi tiết bé nhỏ nhất trong những tấm ảnh: không thể sửa chữa, lún
xuống vũng bùn của ký ức, không thể chìm hẳn xuống cũng không thể kéo
lên. Và rồi từng điều, trong chính bản thân nó thoáng hiện lại một khoảnh
khắc mà như đã biến mất. Chẳng hạn như cách cha bước đi, cân bằng theo