Lại chuyện cái nhà.
Dù bên ngoài nhìn vào người ta có thể thấy cha đã bỏ bê ra sao, cha vẫn
tin vào hệ thống riêng của mình. Như một nhà phát minh điên rồ bảo vệ cho
bí mật của chiếc máy hoạt động không ngừng, cha sẽ không cho phép ai
quấy nhiễu nó. Một lần, khi vợ tôi và tôi phải chuyển từ căn hộ này sang căn
hộ khác, chúng tôi ở lại nhà cha trong vòng ba đến bốn tháng. Cảm thấy
bóng tối trong nhà quá ngột ngạt, chúng tôi cuốn tất cả những rèm che trong
nhà để ánh sáng tràn vào. Khi cha tôi đi làm về và thấy việc chúng tôi đã
làm, ông bùng lên một cơn thịnh nộ không kiểm soát được, vượt xa khỏi
giới hạn của bất cứ sự chống trả nào có thể đưa ra.
Sự giận dữ kiểu ấy hiếm khi được ông bộc lộ - chỉ có những lúc cha cảm
thấy bản thân phiền hà vì sự vi phạm vào thế giới riêng, bị quấy nhiễu bởi sự
tồn tại của người khác. Các rắc rối về tiền bạc đôi khi cũng khiến cơn giận
ấy bùng nổ. Hoặc nếu không thì một tiểu tiết khác: rèm che trong nhà ông,
một chiếc đĩa vỡ, một chuyện vặt vãnh không đáng kể.
Dù sao đi nữa, cơn giận đã sẵn ở trong ông – tôi luôn tin điều ấy. Như
ngôi nhà đã được sắp xếp đâu vào đấy và đồng thời cũng đang rã nát từ bên
trong, người đàn ông trong cha bình lặng, sự điềm tĩnh của cha gần như là
siêu nhiên, và đồng thời cũng là nạn nhân của một sự xáo trộn, một sức
mạnh không chặn nổi của cơn giận dữ nội tại. Cả đời, cha đã vật lộn để tránh
khỏi sức mạnh ấy, chăm bón cho lối cư xử quán tính cho phép ông né được
nó. Trông cậy vào những thói quen cố định cho phép ông thoát khỏi sự cần
thiết phải nhìn vào chính mình khi phải đưa ra quyết định; những lời sáo
rỗng mau chóng đậu lên môi ông (“Một đứa bé xinh xắn đấy. Chúc may mắn
nhé.”) thay vì những lời cha phải bước ra và tìm kiếm. Tất cả những điều
này khiến cho ông thẳng bẹt ra, về phương diện cá tính. Nhưng cùng lúc, đó
cũng là điều đã cứu ông, là điều cho phép ông sống. Nói đúng hơn là ông có
thể sống là nhờ vào nó.
* * *