rất kịch tính và đầy xúc động làm run rẩy con tim”); các bản tin về cuộc nội
chiến tại Nga; đám tang của Karl Liebnecht và ba mươi mốt người theo
phong trào Spartacus khác (“Hơn năm mươi ngàn người tuần hành trên một
đoạn đường dài tới năm dặm. Hai mươi lăm phần trăm số này đội vòng hoa.
Không có tiếng la hét hoặc cười nói nào”); luật cấm rượu khắp cả nước được
phê chuẩn (“William Jennings Bryan – người đã làm cho món nước nho trở
nên nổi tiếng – đã ở đó với một nụ cười rộng mở”); cuộc biểu tình của ngành
sợi ở Lawrence, Massachusetts, dẫn đầu bởi hội Wobbly; cái chết của
Emiliano Zapata, “kẻ dẫn đầu băng cướp ở nam Mexico”, Winston
Churchill; Bela Kun, Lãnh tụ Lenine (nguyên văn); Woodrow Wilson;
Dempsey đấu lại Willard.
Tôi đã đọc qua cả loạt bài báo về vụ giết người hàng tá lần. Thế mà, tôi
vẫn cảm thấy khó mà tin nổi là tôi không mơ về chúng. Chúng ám vào tôi
với tất cả sức mạnh từ sự giảo hoạt của vô thức, làm biến dạng thực tế theo
đúng cách giấc mơ vẫn làm. Bởi vì những cái tiêu đề lớn quanh vụ giết
người khiến mọi thứ khác trên thế giới xảy ra trong ngày hôm ấy trở nên bé
nhỏ, chúng đem đến cho vụ việc vẻ trọng đại chẳng khác gì những điều xảy
ra trong đời sống riêng của chúng ta. Nó gần như là bức tranh do một đứa trẻ
vẽ ra khi đứa nhỏ đang phải đối mặt với nỗi niềm không sao diễn tả nổi:
điều quan trọng nhất luôn là thứ được vẽ to nhất. Bố cục bị lạc vào trong sự
ưu tiên cho tỷ lệ thức – điều không được quy định bởi mắt mà bởi yêu cầu
của trí não.
Tôi đọc những bài báo đó như thông tin lịch sử. Nhưng cũng như những
hình vẽ hang động trên mặt trong của chính bộ xương mình.
Tiêu đề trong ngày đầu tiên, 24 tháng Một, chiếm hết hơn một phần ba
trang đầu.
HARRY AUSTER BỊ GIẾT
VỢ BỊ CẢNH SÁT BẮT
– – –
Ông Trùm Bất Động Sản Đã Bị Bắn Chết trong Bếp Ngôi Nhà của Chính
Vợ Mình vào Đêm Thứ Năm Sau Một Vụ Cãi Cọ Về Tiền Bạc – và Một Phụ
Nữ Khác.