mẹ ơi, cha con đâu? ”, mẹ ngó ra sân, nói con chuồn chuồn đẹp quá. Cũng
có khi mẹ chỉ vào vách và nói thằn lằn cụt đuôi kìa con. Tôi rượt đuổi theo
những vu vơ của mẹ suốt thời thơ ấu, cho đến khi ngơ ngác đội khăn tang
đi trong một đám ma ít người đưa, vẫn không nhận được lời đáp. Tôi hay
nghĩ, nếu hôm đó chiếc xe khách không hất mẹ văng bên đường, chắc chắn
buổi tối lại mẹ sẽ kể cho tôi nghe chuyện về cha tôi. Nhưng buổi tối bị bỏ
lỡ, câu hỏi đó vẫn được day đi day lại, và tôi trả lời theo cách của mình.
Như khi mợ tôi tỏ ra hờn giận, “ nhà hết gạo rồi, chừng nào ba mầy về dẫn
mầy đi? ” tôi cười nói trưa nay con không ăn cơm, hồi sáng ăn mấy củ
khoai còn no quá chừng. Như những lần sắp nhập học, mợ nhắc, “ không
biết chừng nào ba mầy quay lại…”. Tôi nhẹ nhõm cười, hồi hè con đi làm
kiếm được ít tiền, con tự đóng tiền trường được, mợ khỏi lo… Nói trớt
quớt, nhưng mợ hài lòng.
Hồi đó tôi đã biết một câu hỏi có năm bảy kiểu trả lời, giản dị nhất là
toét miệng ra cười, khỏe nhất là kêu “ đi hỏi ổng ”, phức tạp nhất là đi mấy
chặng xe lớn nhỏ tới một chợ xã lún trong bụi đất đỏ, gặp một người đàn
ông tóc vuốt dầu mướt rượt bảnh bao, thảnh thơi ngồi chơi bài “ tiến lên ”,
góc nhà có hai đứa nhỏ đang cự nự. Vợ ông trạc tuổi hơn mẹ tôi, bưng ra
cho tôi ly nước hột é, hỏi em cưng kiếm ai ở chợ này, tôi ngó người đàn
ông nói, dạ cháu cũng quen sơ sơ thôi, giờ mưa quá nên hết quen rồi. Năm
đó tôi mười bốn tuổi, đã bắt đầu tự mình tìm kiếm câu trả lời, những khi
thấy lòng thắc mắc.
Giờ tôi đang thắc mắc cái đẹp nào đang và sắp mất. Để tìm câu trả lời,
tôi bắt đầu rời khỏi thành phố, bắt đầu những chuyến đi xa. Vì thành phố đã
xua đuổi thiên nhiên đi xa.
Tôi thường tần ngần ở ngã ba, không biết mình nên bắt đầu từ đâu.
Chung quanh tôi quá nhiều vẻ đẹp, đừng nói dấu mưa xoi khuyết những
viên gạch trần, hoa bìm bìm lợp tím rịm cả một chòm cây, vạt rừng bướm
bay như trấu vãi… với tôi, cây cỏ cứt heo mọc bên đường cũng đẹp. Nhưng