cúi xuống cột dây giày. Tôi hay cảm động với những câu hỏi như đói bụng
không, ăn gì chưa…
Công việc của tôi ở Viện cũng gần giống vậy, tìm kiếm và ghi chép
những âm thanh, hình ảnh giản dị của cuộc sống được cho là có giá trị,
đáng lưu giữ. Nó có thể như một cái phim tài liệu nhỏ có mở đầu và kết
thúc, hay chỉ là lát cắt bất chợt của mưa, gió, của lá rụng hay những bông
hoa lăn trên cát…
Tôi rời căn phòng nhỏ trên tầng thượng cư xá sinh viên, nơi tôi làm ổ
bốn năm học và thêm một năm tìm việc. Nhiều đêm buồn quá, tôi giả làm
tượng phơi sương, rình coi những đôi chim heo yêu nhau, lá cờ bay bên tai
rười rượi. Hôm gom mớ hành lý hẩm hiu cùng di ảnh của mẹ đi, tôi ghi lại
tiếng cờ bay, coi như là mẫu đầu tay, mang về Viện. Anh trưởng phân ban
của tôi râu tóc rối bời, lúc nào cũng bỏm bẻm nhai kẹo cao su, nghe xong
anh vạch bụi râu ra cười, “ Buồn hen nhỏ, nghe cô đơn dã man, đâu đem
duyệt thử coi…”. Tôi luôn chờ đợi những cơ hội nhỏ nhoi đó, được tới gặp
anh Viện phó mà tôi thương thầm, với lý do chính đáng. Và vẫn như mọi
khi, anh này giễu cợt, chậm rãi và tàn nhẫn, làm tôi chết mê chết mệt.
-Kiếm sọt rác nào xấu nhất quăng cái này vô, xong đi tìm cho tôi
những gì sắp mất, ngoài kia nhiều lắm…
Tôi gật gật làm ra vẻ đã hiểu rồi, nhưng “ ngoài kia ” chính xác là ở
đâu? cái gì sẽ mất?
Có nhiều câu hỏi người ta tốn cả đời để trả lời, thí dụ như câu “Anh có
thương em tới chết mới thôi không? ” Tôi nghi ngờ mẹ tôi đã từng hỏi cha
tôi câu này, hồi còn con gái. Cha tôi thấy khó nói quá, thôi cúi xuống khóa
môi mẹ tôi cho rồi, có ai vừa làm chuyện đó vừa nói được đâu. Tôi thò đầu
ra đời, mẹ mừng húm, tưởng tình yêu trả lời. Nhưng cha tôi cùng chiếc xe
tải bèo nhèo bán cây giống chỉ quay lại xóm Chiếc vài lần, thưa, thưa dần
và cha tôi không tới nữa, khi tôi bốn tuổi. Tôi bắt đầu hỏi một câu dễ òm, “