chuyện riêng tư, “ cái cậu chạy đò tên Nhứt gì đó, chắc thương cô Di mà cô
không để ý, nên lúc này không thấy lên nữa…”
Tôi giật mình, chắc không đâu. Nhứt không tới Viện nữa bởi những
xóm ấp ven sông trong lòng Nhứt không còn. Lúc đầu Nhứt còn nhăn nhó
lác đác, than vãn lai rai khi cái đình thần Thạnh Hưng xây lại, sơn phết như
“ tuồng hát bội ”, khi người ta làm cửa cho những ngôi nhà vốn bao đời mở
phơi lòng, khi người ta dẫn nhập nước mặn vào đồng... rồi thì một bữa
Nhứt tới chơi, nói, đi nhậu chị ơi, lần này nữa thôi…
Nhứt không tới nữa. Ấn tượng cuối cùng về Nhứt là cậu ta quăng ly
rượu vô vách quán bể nát, chửi thề, “ Quê tui còn mẹ gì, giống như cái biển
vậy…”. Điều đó làm Nhứt khác chúng tôi, Nhứt không chịu nổi sự mất
mát. Còn người ở Viện đối mặt với mất mát hằng ngày, hàng giờ, ở trong
nó, ăn nó, uống nó. Họ buộc phải lựa chọn, hoặc không yêu bất cứ gì, hoặc
tập chai sạn trước nỗi đau. Cách nào thì dẫn con người về một chỗ: vô cảm.
Họ có thể giẫm lên những mầm cây vì tin rằng những cái cây này không
bao giờ sống sót được mười năm tuổi, khi cái xóm nghèo đang chực hờ gần
đó. Họ có thể nhấm nháp rượu rắn với chim sẻ nướng dù biết đó là những
con cuối cùng, họ đã giữ cuộc đời chúng bằng tiếng hót, bằng hình ảnh
chúng sà xuống sân như một bầy lá rụng… và đem cất trong Viện, là xong.
Tôi không còn thích ra quán ngồi. Hồi đó tôi nghĩ đây là dịp mình gần
anh Viện phó, được chào hỏi những đồng nghiệp có khi chỉ mới gặp lần
đầu. Tôi vẫn chưa mở được tất cả những cánh cửa trong Viện giữa những
chuyến đi về. Hiếm hoi trong những bữa tiệc tùng quen được chị Hát lỡ
thời, say đắm những cơn gió trời thích anh Đê bên phân ban con người
nhưng anh này lại mải mê đeo đuổi vẻ đẹp lem luốc của những người thợ
mỏ. May mắn ngồi chung với một anh khét tiếng tắm ít, suốt ngày giang
nắng cùng những người đàn bà quang gánh. Mẫu của anh rất hay, những
người phụ nữ có đôi vai lệch và bên vai áo sờn, những đôi chân gân guốc
vồng lên vì chịu nhiều sức nặng. Những cuộc gặp cũng đôi khi xảy ra trên