Giờ Phiên cũng đi tìm ba. Tôi kể có một người cha gánh trọng trách
bảo vệ những đôi tay đẹp, những loài cây quý, những cái cây tỏa hương từ
phiến gỗ chứ không cần đến hoa. Người xấu muốn cướp đôi tay của trẻ con
để chúng khóc mà không có gì lau nước mắt, muốn đốn cây về chụm củi
cho lửa… thơm. Anh ta phải chiến đấu với người xấu bao giờ xong mới về,
mà có thể mãi mãi không về vì ngày càng có nhiều người xấu. Thằng Phiên
ngồi mặt chảy ra, quần xoắn cao tới bẹn, đầu gối vượt khỏi lổ tai, ngẫm
ngợi, “ tội nghiệp ba con thiệt, chắc ổng nhớ con…”.
Người xóm Cồn khen thằng Phiên có nhiều nét giống tôi, nhưng
những khi kỳ cọ cho nó bên dòng nước, tôi chỉ xuống mặt sông xao động,
nói, giống ba in hệt. Nó sung sướng lắm, “ trời, vậy là ba cũng đen thùi lùi
vầy hả? ”.
Tuổi lên sáu Phiên nhận được từ tôi một món quà hơi đặc biệt, những
chữ cái đầu tiên. Cái ca. Trái cà. Con gà. Nó không đến trường, một phần vì
cồn không có trường. Nhưng bên kia sông có. Tôi không đưa Phiên qua vì
nghi ngờ trường học làm những đứa trẻ biến mất. Tôi đã thấy trẻ con đi vào
đó, và trở ra như những người lớn mệt mỏi, muộn phiền. Tôi giữ cho tuổi
thơ Phiên đẹp như Phiên có. Hoang dã. Trong veo.
Thằng Phiên chấp nhận điều đó, vì qua sông có thể bọn người xấu
nhận ra nó là con của chàng dũng sĩ, và bắt nó để ép chàng đầu hàng. Mà
bên sông người ta không cho con nít tự ý vào nhà người khác, lục cơm
nguội của người khác ăn, ngủ trên giường người khác… Họ không thích
con nít nhấc chân như con chó vện, đái vô những bông bí, làm tụi nó héo
quéo. Ở Cồn thì chuyện đó là bình thường, không sao hết.
Nhưng thằng Phiên hay nghĩ ngợi. Lúc suy nghĩ nó sẽ lấy cọng lông
gà ngoáy lỗ tai, lim dim khoái cảm, sau đó nó gật gù, nếu đái vô bông bí thì
bông bí sẽ ngộp thở, tội nghiệp. Tội nghiệp là câu đầu môi của thằng nhỏ.
Chúng tôi không ăn những con cá nhỏ vì tội nghiệp, không nhổ cải đi bán
vì tội nghiệp và kết quả là tôi có một giồng bông cải thắp nắng lộng lẫy