Máy bay khác với xe hơi, không phải cứ gắn động cơ vào là chạy ngay
được, nó luôn cần được bảo trì thường xuyên. Sau khoảng 100 giờ bay là
phải tháo mô-tơ Reisen ra bảo trì.
Rabaul là đảo núi lửa, ngọn Hanabuki vẫn luôn hoạt động, nên phi
trường lúc nào cũng đầy tro bụi. Khi máy bay cất cánh, cả đường băng mịt
mù cát bụi, không thể mở mắt ra được.
Việc đầu tiên ta phải làm khi thức dậy vào buổi sáng là dùng chổi cọ
quét tro núi lửa phủ đầy trên các cánh máy bay. Trong động cơ bụi cũng
đóng đầy nên rất cực. Nếu không bảo trì kỹ, giữa đường động cơ ngừng
hoạt động thì các thành viên phi đội sẽ chết, chúng ta cũng chết chắc.
Binh trưởng
Kimura Heisuke cùng thời với ta đã mổ bụng tự sát khi
chiếc Reisen mà ông bảo trì bị rơi trên biển vì động cơ trục trặc, phi công
cũng thiệt mạng. Ta thì không đến mức đó nhưng khi làm việc sẽ rất chú
tâm, nghiêm túc. Dù vậy, vẫn có những máy bay sau khi cất cánh gặp bất
ổn và quay lại. Những khi như thế chúng ta rất khó xử.
Tuy chỉ là lính bảo trì nhưng chúng ta lại luôn chiến đấu cùng với các
Reisen. Khi những chiếc máy bay do mình bảo trì xuất kích mà không trở
về, ta rất đau lòng. Cảm giác như mất đi đứa con của mình vậy. Hơn nữa,
phi công lái cũng tử trận nên nỗi thương tiếc còn gấp bội. Ta luôn băn
khoăn có phải do mình bảo trì không tốt mà máy bay bị thua trong trận
chiến không? Liệu có phải do sự cố của mô-tơ mà trên đường trở về máy
bay đã rơi xuống biển hay không? Cứ nghĩ tới là ngực ta đau nhói.
Toàn bộ thành viên phi đội trở về hết là chuyện rất hiếm. Việc những
người buổi sáng còn cười nói khỏe mạnh, buổi tối đã không còn trên cõi
đời dần trở thành bình thường. Ban đầu, ta sốc không sao nuốt nổi cơm
nhưng chẳng bao lâu ta đã quen dần. Đó là chuyện đương nhiên ở Rabaul.
Nhưng với các thành viên phi hành đoàn trên máy bay tấn công mặt đất nếu
một chiếc rơi thì cả bảy người cùng chết nên vẫn khiến ta rất buồn. Ở
Rabaul, có hơn 1.000 thành viên phi hành đoàn máy bay tấn công đã hy